Bến Tre: Nước mặn tấn công, thuê sà lan chở nước ngọt về nhà máy nước

(PLO)- Hiện nay, các sông chính trên địa bàn tỉnh Bến Tre đều bị nước mặn tấn công, nguồn nước ngọt khan hiếm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 18-3, ông Trần Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần cấp thoát nước Bến Tre cho biết mấy ngày nay, tại khu vực vàm sông Chợ Lách và sông Tiền, độ mặn tăng cao vượt ngưỡng cho phép, ảnh hưởng đến nguồn nước cung cấp cho nhà máy nước Chợ Lách.

Nước mặn tấn công, không còn nguồn nước ngọt, công ty phảiã thuê sà lan đến sông Tiền khu vực cầu Mỹ Thuận lấy nước ngọt, vận chuyển mỗi chuyến 700m3 nước ngọt về nhà máy nước Chợ Lách xử lý, cung cấp cho người dân sử dụng.

nước mặn tấn công, thuê sà lan chở nước ngọt về nhà máy nước
Nước mặn tấn công, Công ty Cổ phần cấp thoát nước Bến Tre phải thuê sà lan chở nước ngọt về nhà máy nước xử lý

Công ty cổ phần Cấp thoát nước tỉnh Bến Tre hiện đang quản lý, vận hành 5 nhà máy xử lý nước mặt gồm nhà máy nước An Hiệp, Hữu Định (huyện Châu Thành), Sơn Đông (TP Bến Tre, xã Lương Quới (huyện Giồng Trôm) và nhà máy nước Chợ Lách (xã Sơn Định, huyện Chợ Lách).

Hiện nay, nguồn nước mặt tại các con sông chính trên địa bàn tỉnh đều bị nhiễm mặn vượt ngưỡng cho phép. Ngoài việc thuê sà lan chở nước ngọt về nhà máy, công ty còn thực hiện các giải pháp cấp bách, nỗ lực đưa nước ngọt về cung cấp nước sinh hoạt cho người dân ở TP Bến Tre, một phần các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và cung cấp nước ngọt cho 2 KCN là Giao Long và An Hiệp với tổng công suất gần 70.000 m3/ngày đêm.

Cũng theo ông Trần Hùng, hiện nay nguồn nước ngọt trên các sông chính không còn nữa, duy nhất chỉ trên sông Ba Lai nhờ có hệ thống cống ngăn mặn nên phía thượng nguồn sông này chưa bị nhiễm mặn.

nuoc-man-nha-may-nuoc-1.gif
Hiện nay, nguồn nước trên các tuyến sông chính qua địa bàn tỉnh Bến Tre đều bị nước mặn lấn sâu vào nội đồng

Cùng với hệ thống cống ngăn mặn tại các đầu kênh rạch phía sông Hàm Luông, sông Tiền đóng kín, công ty đang duy trì các thuyền bơm tại đập Thành Triệu và đập Cái Cỏ ở huyện Châu Thành, canh bơm nước ngọt thô từ thượng nguồn sông Ba Lai vào túi nước Sông Mã để tích trữ, dẫn nước về phục vụ cho 3 nhà máy nước Sơn Đông, An Hiệp và Hữu Định.

Riêng khu vực lấy nước mặt của nhà máy nước Lương Qưới trên sông Giồng Trôm bị nhiễm mặn sớm, công ty đã ngừng hẳn việc lấy nước thô trên sông này hơn một tháng nay.

Hiện toàn bộ nguồn nước đưa về nhà máy nước Lương Qưới được lấy từ Công ty TNHH MTV Giải pháp công nghệ nước và Môi trường Đỗ Hoàn Sinh (xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm) và chia sẻ lại từ hai nhà máy nước thuộc quản lý của công ty là Sơn Đông và Hữu Định.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần cấp thoát nước Bến Tre khẳng định nhờ sự chủ động ứng phó cùng thực hiện các giải pháp cấp bách nên đến thời điểm này các nhà máy nước của công ty vẫn đảm bảo cấp ổn định nước ngọt sinh hoạt cho người dân sử dụng.

“Hệ thống cống ngăn mặn trên sông Ba Lai chưa được khép kín, nếu tình hình nước mặn tiếp tục kéo dài và gay gắt thì khả năng nguồn nước ngọt ở thượng nguồn sông Ba Lai sẽ bị mặn lấn dần từ sông An Hòa và sông Chẹt Sậy vào. Hiện công ty đang tính đến giải pháp sẽ thuê sà lan chở nước ngọt về các nhà máy nước” ông Hùng thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm