Bệnh nhân đến với bệnh nhân

Trong số 20 y, bác sĩ được TP Đà Nẵng vinh danh tiêu biểu về y đức với danh hiệu “Tỏa sáng Blouse trắng”, chúng tôi có dịp gặp chị. Chị là BS Nguyễn Thị Ái Nghĩa (38 tuổi, khoa Thăm dò chức năng cận lâm sàng, BV Mắt TP Đà Nẵng) phải sống chung với căn bệnh ung thư nhưng vẫn hằng ngày thăm khám cho bệnh nhân.

Bác sĩ cũng là bệnh nhân

BS Ái Nghĩa tốt nghiệp Y khoa Huế năm 2001. Khi đó TP Đà Nẵng có chính sách thu hút nhân tài, chị nộp đơn và được nhận về BV Mắt làm việc. Niềm vui nhân lên khi chị thành lập gia đình và có hai con nhỏ. Chồng chị cũng là một bác sĩ đang công tác tại BV Ung thư TP Đà Nẵng.

Hai vợ chồng hết mình với nghiệp cứu người. Nhưng một ngày, phát hiện mình đang mang căn bệnh ung thư. “Đang khám cho bệnh nhân thì tôi bị đau. Cứ tưởng chỉ là đau ốm vặt rồi vài ngày lại khỏe. Đến khi quyết định giấu chồng để đi khám thì tôi bàng hoàng biết mình mắc bệnh ung thư vú. Đó là vào tháng 3-2011. Lúc đó tôi chỉ nghĩ về gia đình. Tưởng tượng ra những điều không hay sẽ đến. Nghĩ đến những điều xấu nhất có thể xảy ra và muốn buông xuôi tất cả” - BS Ái Nghĩa kể lại.

Tháng 3-2011, lúc biết mình bị ung thư, BS Ái Nghĩa đang vừa làm việc tại BV Mắt vừa theo học thêm tại Huế.

 

BS Ái Nghĩa (phải) đi tình nguyện và chữa bệnh cho các bệnh nhân nghèo ở Lào. Ảnh: CTV

Từ bác sĩ, chị Ái Nghĩa trở thành bệnh nhân và quen với rất nhiều người bệnh cùng cảnh ngộ. “Khi bị bệnh, mình mới thấm thía hết nỗi đau của bệnh nhân. Mình hiểu và cảm thông hơn với bệnh nhân của mình”- BS Ái Nghĩa bộc bạch. Cũng từ đây, ngoài việc thăm khám cho người bệnh, chị còn kiêm luôn bác sĩ tâm lý cho các bệnh nhân bị ung thư. Cứ mỗi lần thăm khám tại khoa Ung bướu BV TP Đà Nẵng, chị lại dành thời gian gặp và làm công tác tinh thần cho người bệnh.

Chị chia sẻ: “Nhiều bệnh nhân mỗi khi nghĩ quẩn lại gọi điện thoại đến tâm sự với tôi. Thậm chí có những cuộc điện thoại lúc đêm khuya, tôi phải dậy để tâm sự, khuyên người bệnh. Hơn ai hết, họ cần một người để được chia sẻ và động viên để chiến đấu với bệnh tật của mình”.

Phải uống thuốc, xạ trị liên tục trong năm tháng nên đầu BS Ái Nghĩa trọc lóc. Đến bệnh viện thăm khám cho bệnh nhân chị phải quấn khăn. “Bệnh nhân khi chưa biết bệnh tình của tôi đã rất ngạc nhiên. Họ bảo sao bệnh viện này lại có cô bác sĩ ăn mặc sành điệu thế. Quấn khăn trên đầu giống… ca sĩ. Lúc đó tôi đã cười ra nước mắt. Tôi đã nghĩ tới việc mình không thể tiếp tục công việc nhưng rồi nghĩ tới người bệnh đang cần mình nên không đành bỏ cuộc” - chị nhớ lại.

Vì cái đầu trọc lóc nên muốn đi tắm biển cùng gia đình chị cũng ngại. “Một hôm, thương con nên mạo muội xuống tắm biển. Khi lên bờ ngồi, mọi người đi qua cứ xuýt xoa. Họ bảo sao bà sư mà cũng đi tắm biển. Lúc đó chỉ biết nhìn họ cười rồi buồn thiu” - chị nói.

Phần thưởng khoai lang

Kỷ niệm về nghề y của chị là những nụ cười nở trên môi bệnh nhân khi hết bệnh và những món quà quê của bệnh nhân nghèo biếu tặng. Năm ngoái, một bệnh nhân ở Quảng Nam ra chạy thận ở BV TP Đà Nẵng. Khi đến BV Mắt để chụp võng mạc và khám bệnh bỗng bật khóc hu hu. Bệnh viện bảo nộp tiền để chữa trị thì chị này càng khóc to hơn. “Hỏi ra mới biết gia đình chị ấy nghèo quá, không có tiền khám bệnh. Thấy họ vậy không cam lòng nên tôi đứng ra xin bệnh viện chữa miễn phí cho họ. Sau khi chữa bệnh xong thì vợ chồng họ về quê. Mấy hôm sau họ bắt xe đò ra bệnh viện chỉ để tặng tôi một bì khoai lang. Đối với tôi, bì khoai ấy là một kỷ niệm không bao giờ quên. Là phần thưởng quý giá nhất động viên mình phải hết lòng vì bệnh nhân. Cuộc đời một bác sĩ là đem lại hạnh phúc cho người khác mà” - BS Ái Nghĩa mỉm cười.

Đó không phải là lần đầu BS Ái Nghĩa tự mình xin miễn tiền chữa trị cho các bệnh nhân nghèo. Mỗi lần thấy bệnh nhân nghèo không có tiền là chị lại đứng ra lo tiền nhập viện. Chị còn nhiều lần tự bỏ tiền túi để giúp đỡ các bệnh nhân khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù vẫn đang phải uống thuốc và khám định kỳ bệnh ung thư vú nhưng mỗi lần có phong trào đi khám, chữa bệnh tình nguyện là BS Ái Nghĩa lại xung phong vác ba lô lên đi. Chuyến đi mới nhất là vào cuối năm 2013, chị cùng đoàn từ thiện của BV Mắt sang Lào để khám và phẫu thuật cho người nghèo.           

Quan niệm của chị về ngành y cũng thật đơn giản, đó là hết mình vì bệnh nhân và không cho phép đầu óc mình được nghĩ tới hai từ “phong bì”.

LÊ PHI

BS Ái Nghĩa là một tấm gương về sự nỗ lực và rất hăng say trong công việc, làm hết mình vì các phong trào tình nguyện. Hơn hết, đó là tấm gương vượt lên trên căn bệnh nan y để vui vẻ sống và cống hiến. Mặc dù bị bệnh nặng, rụng hết tóc, không thể ăn được nhưng chị vẫn lạc quan vượt qua những giai đoạn khốc liệt của bệnh tật để đến với bệnh nhân.

BS TRẦN NGHỊ, Giám đốc BV Mắt TP Đà Nẵng

BS Ái Nghĩa là một tấm gương về nghị lực phi thường. Mặc dù mang trong người căn bệnh ung thư nhưng chị vẫn hằng ngày vượt qua những cơn đau để đội tóc giả, quấn khăn đến với bệnh nhân của mình. Chị ấy hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng này.

Ông PHẠM HÙNG CHIẾN, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, thành viên Hội đồng bình xét giải “Tỏa sáng blouse trắng”

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm