Bị cáo Trương Mỹ Lan xin HĐXX khoan dung, xem xét thấu đáo

(PLO)- Tại phần xét hỏi, bị cáo Trương Mỹ Lan mong HĐXX xem xét khoan dung; bà Lan nói mình không kêu oan, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt cho mình và các bị cáo khác.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 5-11, phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm trong giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị có liên quan tiếp tục đến phần xét hỏi của đại diện VKSND cấp cao tại TP.HCM và luật sư bào chữa.

Bị cáo Dương Tấn Trước đảm bảo bồi hoàn 692 tỉ đồng cho SCB

Trả lời câu hỏi của đại diện VKS, bị cáo Trương Huệ Vân giữ nguyên phần trình bày kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và thừa nhận hành vi cấp sơ thẩm quy buộc là đúng.

Bị cáo Vân cho biết mình đã nộp khắc phục 2,5 tỉ đồng và luật sư của bị cáo sẽ trình bày thêm các tình tiết giảm nhẹ khác như có hoạt động cho cộng đồng, có thành tích xuất sắc trong công tác. Bị cáo này xin cấp phúc thẩm giảm nhẹ theo điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả.

Trương Huệ Vân.jpg
Bị cáo Trương Huệ Vân. Ảnh: NGUYỆT NHI

Bị cáo Dương Tấn Trước bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 11 năm tù về tội tham ô tài sản. Bị cáo Trước được xác định đã thỏa thuận, thống nhất với bị cáo Lan sử dụng các pháp nhân nhóm công ty Tường Việt tạo lập hồ sơ vay vốn khống, chiếm đoạt số tiền 4.752 tỉ đồng, gây thiệt hại cho SCB hơn 600 tỉ đồng. Trong đó, bị cáo Trước được bị cáo Lan cho hơn 1.489 tỉ đồng.

Cấp sơ thẩm ghi nhận sự tự nguyện của bị cáo Trước khi trả lại hơn 2.204 tỉ đồng cho bị cáo Lan và buộc bị cáo này phải bồi hoàn tiếp tục cho SCB hơn 692 tỉ đồng.

Tại tòa, bị cáo Dương Tấn Trước trình bày với VKS về tình tiết giảm nhẹ như có thư tri ân của đại sứ Cuba vì đã đóng góp cho cộng đồng. Theo VKS, đây là tình tiết giảm nhẹ đã được cấp sơ thẩm xem xét.

Bị cáo Trước trình bày thêm, đã khắc phục thêm 53 tỉ đồng. Quá trình điều tra, bị cáo đã tự nguyện nộp các sổ tiết kiệm và còn lại 156 tỉ đồng tiền lãi. Trong số tài sản bị kê biên, gia đình của bị cáo đã thuê công ty thẩm định giá 5 bất động sản và được định giá hơn 713 tỉ đồng. Bị cáo Trước cho biết, cộng các khoản tiền này lại sẽ dư cho việc bồi hoàn hơn 692 tỉ đồng cho SCB.

Bị cáo Trương Mỹ Lan mong được khoan dung

Tiếp đến phần xét hỏi của đại diện VKS về nội dung kháng cáo theo như bị cáo trình bày trước đó của bị cáo Lan, gồm: xin giảm nhẹ hình phạt; xin xem xét 1 hành vi nhưng bị phạt 2 tội là vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tham ô tài sản và xin bồi thường hết cho các cổ đông ở nước ngoài.

Bị cáo Lan trình bày, xin HĐXX hãy thông cảm và khoan dung cho bị cáo. Bị cáo không biết luật, chỉ biết kinh doanh, đầu tư và chưa bao giờ cần tiền cho riêng bị cáo mà tiền đó là cho anh em SCB.

"Bị cáo luôn tin tưởng vào HĐXX và mong được xem xét thấu đáo, kĩ càng. Dù có chết cũng chết công khai, mãn nguyện, tâm phục, khẩu phục… Bị cáo không làm thì không nhận, bị cáo không chức vụ, điều hành, chỉ đạo gì. Một con người vướng vòng lao lý thì khổ lắm” - bị cáo Lan nói.

Theo bị cáo Trương Mỹ Lan, việc bị cáo làm chỉ nhằm thực hiện đề án để tái cơ cấu SCB dưới sự giám sát của Ngân hàng nhà nước và được kiểm soát chặt chẽ. Việc Ngân hàng SCB xảy ra sự cố là ngoài mong muốn.

Trương Mỹ Lan.jpg
Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: NGUYỆT NHI

Đại diện VKS hỏi bị cáo Lan về những lời khai của bị cáo này tại CQĐT (có sự tham dự của luật sư bào chữa và kiểm sát viên VKSND tối cao) có trung thực, tự nguyện không? Bị cáo Lan thừa nhận là có.

Về việc sở hữu, chi phối hơn 1.394.253.393 cổ phần SCB, chiếm 91,5% vốn điều lệ, bị cáo Lan khẳng định mình chỉ có một lời khai. Theo đó, bị cáo này chỉ chiếm 5%. Đến khi các nhà đầu tư vào để giúp SCB tái cơ cấu, bị cáo thêm 2 con gái của bị cáo vào là tổng cộng 15%; 35% là của các cổ đông nước ngoài và còn lại là của bạn bè bị cáo.

Bị cáo Lan trình bày mình không kêu oan và xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và các bị cáo khác tại phiên tòa.

Đối với việc xin giải tỏa kê biên hàng loạt bất động sản như biệt thự cổ tại số 110-112 Võ Văn Tần, tòa nhà 19-25 đường Nguyễn Huệ (trụ sở SCB), các bất động sản làm trụ sở Vạn Thịnh Phát; du thuyền, ô tô… bị cáo Lan cho biết việc giải tỏa kê biên không nhằm mục đích cá nhân.

Đối với việc xin giải tỏa kê biên tòa nhà đang là trụ sở Vạn Thịnh Phát, bị cáo Lan cho biết đây là tài sản hình thành trước khi tái cơ cấu SCB và giải tỏa kê biên để duy trì hoạt động.

Đối với câu hỏi của luật sư bào chữa, bị cáo Lan mong HĐXX xem xét lại tình tiết trong hồ sơ vụ án đối với tội tham ô tài sản vì bị cáo này không lấy tiền của SCB. “Bị cáo hiểu mức án nào rồi cũng về con số không, nhưng với tội danh này thì các nhà đầu tư sẽ không làm việc với bị cáo" - bà Lan nói.

Bị cáo Trương Mỹ Lan được gặp chồng trong giờ giải lao

Trong giờ giải lao của phiên làm việc buổi sáng, HĐXX đã cho phép bị cáo Trương Mỹ Lan gặp chồng là bị cáo Chu Lập Cơ. Dưới sự giám sát của lực lượng công an, bị cáo Lan và chồng đã nói chuyện với nhau khoảng 15 phút.

Chu Lập Cơ.jpg
Bị cáo Chu Lạp Cơ - chồng bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: NGUYỆT NHI

Tại phần xét hỏi của luật sư, bị cáo Lan cảm ơn HĐXX đã tạo điều kiện để bị cáo được gặp chồng trong giờ giải lao. Sau khi được gặp và nói chuyện, bị cáo được biết chồng của bị cáo đang rất lo lắng về tài sản đang bị kê biên là tòa nhà Times Square.

"Vì đây là bộ mặt, công sức của chồng bị cáo nên mong được giải tỏa kê biên tòa nhà để chồng của bị cáo quản lý. Nếu được giải tỏa kê biên, việc sử dụng tài sản này sẽ theo sự giám sát của cơ quan chức năng, việc mua bán, thế chấp… đều phải xin phép" - bị cáo Trương Mỹ Lan nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm