Nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Loan Anh ở huyện Tân Phú (Đồng Nai) đi gõ cửa các cơ quan chức năng, nhờ can thiệp buộc bà Th., cán bộ Phòng NN&PTNT huyện này giao con dấu, giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp nhưng bà Th. vẫn không giao.
Bà tố cáo đến công an thì nơi đây không thể khởi tố; kiện ra tòa thì không được thụ lý; kêu cứu đến UBND huyện thì nơi đây chỉ biết vận động mà không có cách nào buộc bà Th. “xùy” con dấu ra.
Rối rắm chuyện hùn hạp
Theo bà Anh, năm 2006, bà và bà Th. bàn nhau góp vốn thành lập công ty để đầu tư xây dựng và kinh doanh chợ truyền thống. Vì bà Th. là công chức nên bà Th. nhờ người dì là bà Nguyễn Thị Liên đứng tên với tư cách là thành viên góp vốn. Sau đó, bà Anh góp 1 tỉ đồng vào công ty, còn bà Th. và bà Liên chưa góp đồng nào.
Đến tháng 3-2006, Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai cấp giấy phép kinh doanh và con dấu cho Công ty 142 với vốn điều lệ 3 tỉ đồng do bà Anh làm chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm giám đốc công ty. Tuy nhiên, từ khi được cấp phép, bà Th. giữ con dấu và các giấy tờ liên quan. Đến tháng 9-2009, Công ty 142 được tỉnh Đồng Nai giao làm chủ đầu tư xây dựng chợ 142 thuộc xã Phú An.
Người dân lấn chiếm quốc lộ 20 buôn bán trong khi chợ 142 bỏ hoang vì không có con dấu để hoạt động. Ảnh: TD
Trong thời gian san lấp mặt bằng thi công chợ, do bất đồng quan điểm nên bà Anh yêu cầu bà Th. giao lại con dấu và giấy phép kinh doanh của công ty nhưng bà Th. không đồng ý. Năm 2010, chợ 142 xây xong nhưng không thể đưa vào hoạt động do Công ty 142 không có con dấu để giao dịch và bỏ hoang từ đó đến nay.
Công an chê, tòa không thụ lý
Bà Anh tố cáo đến công an và tháng 9-2009, Công an tỉnh Đồng Nai có báo cáo, gửi VKS, đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bà Th. về tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội. Một tháng sau, VKS trả lời cho công an là không thể khởi tố bà Th. Bởi Bộ luật Hình sự chỉ quy định hành vi “chiếm đoạt con dấu, tài liệu của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội” chứ không quy định hành vi “chiếm đoạt con dấu, tài liệu của doanh nghiệp”.
Sau đó, theo hướng dẫn của tỉnh, bà Anh kiện bà Th. ra tòa đòi con dấu và giấy đăng ký kinh doanh của công ty. Tháng 12-2011, Tòa án tỉnh Đồng Nai trả lại đơn kiện vì bà Th. không phải là thành viên của công ty, yêu cầu của bà Anh không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Tòa không thụ lý, công an không xử lý nên đầu năm 2013, UBND tỉnh yêu cầu huyện Tân Phú chủ trì, phối hợp với các ngành, mời các bên đến làm việc, yêu cầu bà Th. gửi con dấu lại cho UBND huyện Tân Phú tạm giữ.
Sau đó, trong năm 2013 và 2014, huyện nhiều lần mời các bên liên quan đến làm việc nhưng con dấu vẫn… bặt vô âm tín.
Theo ông Nguyễn Quang Chung, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Tân Phú: “Tỉnh đã chỉ đạo và huyện nhiều lần vận động bà Th. nộp lại con dấu nhưng không thành. Huyện cũng đã từng ra quyết định kỷ luật bà Th. nhưng không thể thực hiện do quyết định quá thời hạn. Huyện sẽ tiếp tục mời các bên lên làm việc và xử lý dứt điểm để đưa chợ 142 đi vào hoạt động…”.
TIẾN DŨNG
Phạt hành chính và buộc trả con dấu Theo luật sư Trương Tiến Dũng, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, việc bà Th. chiếm giữ con dấu có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 15 Nghị định 73/2010 của Chính phủ (phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng với hành vi tự ý mang con dấu ra khỏi cơ quan, đơn vị mà không được phép của cấp có thẩm quyền). Cùng với việc xử phạt, cơ quan chức năng cũng buộc bà Th. trả con dấu cho giám đốc công ty. |