Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, Nghệ An) đang rất bức xúc trước việc trưởng Công an xã Hùng Tiến phê vào đơn xác nhận dân sự đối với hai con trai ông với nội dung “gia đình chưa chấp hành tốt nghĩa vụ của địa phương”. Điều này làm ảnh hưởng đến kết quả xin việc làm và xuất khẩu lao động của các con ông Hùng.
Lý do dẫn đến việc phê trên của ông trưởng Công an xã Hùng Tiến là vì gia đình ông Hùng còn nợ khoản quỹ hạ tầng cơ sở và quỹ tự nguyện hơn 7 triệu đồng.
Người dân: Lời phê “chặn đường” mưu sinh
Trao đổi với chúng tôi, ông Hùng cho biết vì gia đình thuộc diện cận nghèo (năm 2016), không đủ tiền đóng các khoản quỹ hạ tầng cơ sở và quỹ tự nguyện không đúng với chủ trương nên dẫn tới cơ sự trên.
Cụ thể năm 2016, với mong muốn gia đình sớm xóa đói, giảm nghèo, anh Nguyễn Văn Bắc (con trai cả của vợ chồng ông Hùng) làm hồ sơ đi làm việc tại một công ty trong tỉnh Nghệ An.
Để hoàn thành hồ sơ, ngày 16-11-2016, anh Bắc làm đơn xin xác nhận dân sự. Phần xác nhận của công an phường, xã thì ông Trần Xuân Quyết, Trưởng Công an xã Hùng Tiến, phê vào tờ đơn xin xác nhận của anh Bắc với nội dung “Nguyễn Văn Bắc (SN 1993, có hộ khẩu thường trú xóm Bình Sơn, xã Hùng Tiến) bản thân chưa có tiền án, tiền sự nhưng chưa chấp hành tốt các quy định của địa phương”.
Với lời phê trên, anh Bắc bị công ty từ chối tiếp nhận làm việc. Sau đó, anh Bắc làm hồ sơ xin đi xuất khẩu lao động cũng bị lời phê tương tự và bị từ chối hồ sơ đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.
Chưa hết, đến người con thứ hai của ông Hùng là Nguyễn Đình Trung cũng lâm vào cảnh oái oăm tương tự.
Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, anh Trung cũng làm hồ sơ thủ tục xin việc làm và đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Ngày 3-5-2017, ông Quyết cũng ghi trong đơn xác nhận dân sự của anh Trung là: “Nguyễn Đình Trung (SN 1997) chưa có tiền án, tiền sự gì, gia đình chưa chấp hành tốt nghĩa vụ của địa phương” (lúc này gia đình ông Quyết đã ra khỏi hộ cận nghèo nhưng vẫn còn khoản nợ trước đó - PV).
Cũng như anh trai, với lời “phê” trên, hồ sơ xin đi xuất khẩu lao động của Trung bị từ chối.
Ông Nguyễn Văn Hùng buồn rầu khi hai con trai chưa thể đi làm hay đi xuất khẩu lao động do bị phê xấu lý lịch. Ảnh: Đ.LAM
Trưởng công an xã: Chưa nộp đủ tiền thì phải phê thế
Chiều 20-11, trao đổi với chúng tôi, Trưởng Công an xã Hùng Tiến, ông Trần Xuân Quyết, cho rằng sở dĩ ông ghi như vậy là căn cứ vào danh sách từ bên UBND xã chuyển cho công an thông báo hộ gia đình ông Hùng không đóng góp số tiền hơn 7,3 triệu đồng.
“Chúng tôi vẫn ghi như vậy nếu như gia đình ông Hùng chưa đóng góp đầy đủ số tiền này. Chưa chấp hành thì phê vào chưa chấp hành chứ sao. Chức năng của bọn tôi là trường hợp nào chấp hành tốt thì phê chấp hành tốt, trường hợp nào chưa chấp hành phê chưa chấp hành. Thế thôi!...”.
Trong khi đó ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Hùng Tiến, cho biết: “Việc phê là của công an xã chứ UBND xã không phê vào hồ sơ như vậy”.
Khi nghe thông tin chủ tịch xã nói như trên, ông Quyết cho rằng: “Nếu vậy, UBND xã có văn bản chuyển sang công an xã xác nhận gia đình này (ông Hùng) đã nộp hết các khoản tiền hoặc được miễn. Hiện nay chúng tôi còn danh sách ông Hùng chưa nộp hết các khoản thì cứ phê chưa chấp hành”.
“Thế tại sao cha nợ mà ông lại phê vào lý lịch hai con như thế, làm ảnh hưởng đến chuyện kiếm việc làm của họ?”. Trả lời câu hỏi này, ông Quyết nói: “Nếu một mình ông Hùng nợ và không nộp thì không đến khoản tiền hơn 7,3 triệu đồng mà trong khoản này còn có các con ông nữa”.
Ông trưởng công an xã khẳng định: “Tôi và ông Hùng không có thù hằn gì. Tôi làm việc công tâm, vô tư. Tôi chẳng thích thú gì khi phải ghi như vậy và không muốn gây khó khăn cho người dân…”.
“Bây giờ nếu tôi phê chấp hành đầy đủ thì cấp trên về kiểm tra họ cho rằng giao cho chúng tôi kiểm tra nhân thân tại sao làm không đúng” - ông Quyết tiếp.
Chủ tịch huyện: “Xác nhận thế là không được”
Trao đổi với chúng tôi về sự vụ trên, Đại tá Cao Tiến Mai, Trưởng Công an huyện Nam Đàn, cho biết: “Chúng tôi đã nhận được đơn phản ánh của công dân về việc trên và đang cho cán bộ xác minh, làm rõ”.
Tuy nhiên, Đại tá Mai cũng cho rằng: “Công an xã chịu sự chỉ đạo của chủ tịch UBND xã, bởi đây là lực lượng bán chuyên trách”.
Thông tin về vụ việc này, ông Đinh Xuân Quế, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, cho biết: “Tôi đã xuống UBND xã Hùng Tiến đối thoại trực tiếp vụ của ông Hùng. Tôi đã giao anh em công an phải xác nhận vào hồ sơ, giấy tờ của công dân đúng theo quy định của pháp luật, rồi còn cái gì sai thì sửa. Tôi đã giao rồi đó”.
“Thế nhưng ông trưởng Công an xã Hùng Tiến cho biết là vẫn xác nhận như vậy nếu gia đình ông Hùng chưa đóng đủ tiền. Quan điểm của ông thế nào?”. Trả lời, ông Quế nói: “Không được. Xác nhận như vậy là không được”.
Chấn chỉnh tình trạng phê xấu lý lịch của công dân Thông tin sự việc ở xã Hùng Tiến là phê vào đơn xác nhận dân sự, cái này phía công an làm. Còn việc chứng thực vào sơ yếu lý lịch thì Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) đã có công văn rất rõ. Cụ thể là tại Công văn 1520/HTQTCT năm 2014 và mới đây là Công văn 873/HTQTCT tháng 8-2017 của Bộ Tư pháp. Hai công văn này nêu rõ các tổ chức hành nghề công chứng, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, thị xã và các UBND xã, phường, thị trấn tuyệt đối không phê nội dung nhận xét về chấp hành chủ trương, pháp luật, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước, địa phương vào sơ yếu lý lịch của công dân. Về vấn đề chứng thực sơ yếu lý lịch, chúng tôi đã có văn bản gửi các địa phương để thực hiện đúng công văn của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cũng như chấn chỉnh tình trạng phê xấu vào lý lịch công dân. Bà NGUYỄN THỊ THU THỦY, Trưởng phòng Hành chính tư pháp, Sở Tư pháp Nghệ An |