Vụ hai nhà máy lọc dầu bị tấn công cuối tuần rồi đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng hệ thống phòng không Saudi Arabia. Nhiều ý kiến xoáy vào việc Saudi Arabia đã không bảo vệ được mình dù tốn hàng tỉ USD chi mua vũ khí phòng không, như mua Patriot từ Mỹ.
Hiện Saudi Arabia có 88 hệ thống phòng không Patriot MIM-104, trong đó có 36 phiên bản PAC-2 và 52 phiên bản PAC-3, có khả năng đánh chặn và phá hủy tên lửa đạn đạo chiến lược. Các hệ thống này có nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía bắc của Saudi Arabia. Ngoài ra Mỹ hiện còn có ba tàu khu trục ở vùng Vịnh, không xa bờ biển Saudi Arabia. Các tàu khu trục này được trang bị một số lượng hệ thống phòng không Aegis cùng với 100 tên lửa dẫn đường SM-2.
Quan chức quốc phòng Nga: Patriot Mỹ không đúng quảng cáo
Báo Pravda dẫn lời một quan chức cấp cao tại Bộ Quốc phòng Nga ngày 19-9 cho biết Saudi Arabia đã mua rất nhiều hệ thống phòng không Patriot, Aegis và radar, đã xây dựng được “hệ thống phòng không mạnh nhất khu vực với tầm phủ radar rộng khắp. Và lý do hệ thống Patriot của Mỹ không thể ngăn cản được đợt tấn công nhắm vào hai nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia, theo quan chức này là vì khả năng Patriot không đúng với các đặc điểm kỹ thuật mà Mỹ đã quảng cáo.
Hệ thống phòng không Patriot của Mỹ. Ảnh: MILITARY LEAK
Hai nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia bị tấn công sáng 14-9. Saudi Arabia và Mỹ cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công này, dù nhóm phiến quân Houthis ở Yemen (được Iran bảo trợ) tuyên bố nhận trách nhiệm. Bộ Quốc phòng Saudi Arabia nói có 18 máy bay không người lái và bảy tên lửa hành trình được sử dụng trong vụ tấn công này.
“Làm sao một hệ thống phòng không mạnh như vậy lại bỏ sót hàng chục máy bay không người lái và tên lửa hành trình? Chỉ có thể có một cách giải thích thế này: Các hệ thống phòng không Patriot và Aegis mà Mỹ quảng cáo, không đúng với các đặc điểm kỹ thuật mà họ đã công khai. Hiệu quả chiến đấu của chúng thấp khi phản ứng với các mục tiêu trên không cỡ nhỏ và với tên lửa hành trình” - báo Pravda dẫn lời quan chức quốc phòng cấp cao Nga không nêu tên.
Hệ thống phòng không Aegis của Mỹ. Ảnh: YOUTUBE
Theo quan chức này, “các hệ thống phòng không của Mỹ đơn giản không sẵn sàng chống lại sự tấn công trên không của kẻ thù trong một tình huống chiến đấu thực sự”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 19-9 bình luận về hoạt động của hệ thống MIM-104 Patriot rằng một số hệ thống phòng không tốt nhất thế giới cũng có thể không phải lúc nào cũng cho kết quả mong muốn.
Saudi Arabia lãnh đạo và phòng bị kém
Tuy thế, có nhiều ý kiến phân tích rằng nguyên do khiến hai nhà máy lọc dầu không thể thoát được bị tấn công không chỉ vì thất bại ở hệ thống vũ khí mà cả từ hạn chế trong sự lãnh đạo và phòng bị của Saudi Arabia.
“Một cách lý tưởng thì Saudi Arabia cần nhiều tầng lớp phòng thủ, trong đó có hệ thống phòng thủ tầm ngắn… để có thể phản ứng nhanh với các đe dọa nhỏ bằng các hệ thống rẻ tiền hơn thay vì các hệ thống Patriot quá mắc tiền” - hãng truyền thông OpsLens (Mỹ) dẫn một ý kiến phân tích. OpsLens chuyên bình luận về an ninh quốc gia, chính sách công và nhiều vấn đề khác của Mỹ.
Các địa điểm đặt các hệ thống phòng không của Saudi Arabia và của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (trong vòng tròn: Vùng phát hiện; màu đỏ: Vùng tiêu diệt), dựa vào dữ liệu do một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cung cấp. Ảnh: RT
Hệ thống Patriot dù có sức mạnh nhưng vẫn có một số hạn chế so với nhiều hệ thống phòng không khác. Saudi Arabia đã không thành công trong việc điều chỉnh hoạt động phòng không vào tình huống chiến trường hiện đại.
Mỹ đã có nhiều bước đi để sản xuất các hệ thống phòng không mới và tương thích nhau. Chẳng hạn, Mỹ đã bắt đầu triển khai tiêm kích tàng hình đa năng F-35 có hệ thống cảm biến tiên tiến có tầm nhìn xa và có thể chuyển dữ liệu thu được cho các hệ thống vũ khí khác. Các hệ thống cảm biến trên hệ thống Aegis trang bị trên các tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ nhạy hơn gấp 50 lần, cho phép phát hiện và bắn chặn các mục tiêu nhỏ và bay nhanh trên không như máy bay không người lái. Mỹ cũng thử nghiệm súng điện từ siêu tốc nâng cấp cho phòng thủ tầm ngắn có khả năng phá hủy tên lửa đang bay tới.
Thêm nữa, Mỹ tới đây sẽ trang bị công nghệ laser mới cho hầu hết các hệ thống khí tài chiến đấu trên biển, trên không và trên bộ. Công nghệ laser này sẽ tăng cường sức mạnh cho nhiều hệ thống vũ khí, khí tài vốn vẫn bị cho là gót chân Achilles của cơ cấu quốc phòng Mỹ. Nhưng không giống như các hệ thống phòng thủ tên lửa truyền thống, công nghệ laser tạo ra lượng nhiệt không khác lượng đạn không giới hạn mà lại không tốn kém chi phí. Điều này có nghĩa bên sử dụng sẽ không phải dùng một tên lửa mắc tiền để bắn một máy bay không người lái rẻ tiền hơn nhiều.
Ngoài ra, tại Saudi Arabia, bộ phận binh sĩ điều hành hoạt động của các hệ thống tên lửa phòng thủ chưa được huấn luyện bài bản. Năm 2017 từng có một bài báo nói Saudi Arabia đã chi hàng tỉ USD mua các hệ thống phòng thủ tên lửa nhưng vẫn chưa có được một sức mạnh phòng thủ hiệu quả.
Theo OpsLens, lỗi trong vụ việc vừa rồi không phải nằm ở các hệ thống tên lửa phòng thủ mà là ở các nhà hoạch định chính sách Saudi Arabia. Saudi Arabia đã không nâng cấp đúng mức hệ thống phòng thủ của mình có thể phản ứng với các máy bay không người lái và không huấn luyện sự cảnh giác cho binh sĩ dù là trong thời bình.
Một hệ thống tên lửa phòng thủ không thể bù được việc thiếu một mạng lưới phòng thủ đa tầng, thiếu các nhà hoạch định chính sách quan tâm đến việc phát triển chúng và thiếu lực lượng binh sĩ được huấn luyện tốt để luôn trong tư thế sẵn sàng và đủ khả năng ngăn chặn các đe dọa bất ngờ.
Saudi Arabia nên sẵn sàng cho nguy cơ bị tấn công bất ngờ, đặc biệt là các cơ sở dầu mỏ vì đây là nguồn mang lại tiền quan trọng cho nước này. Saudi Arabia đang dẫn đầu liên quân Ả Rập can thiệp quân sự vào Yemen, đối đầu với nhóm phiến quân Houthis được Iran bảo trợ.