VĨNH BIỆT ANH ÚT BÊN - MỘT NHÂN CÁCH LỚN, "NGƯỜI THẦY KHÔNG BỤC GIẢNG"
Dẫu biết "sinh - lão - bệnh - tử" là quy luật muôn đời không thay đổi được, nhưng nghe tin vẫn bàng hoàng: Anh Phạm Văn Bên không còn nữa! Dù rằng lòng vẫn muốn ngày đó sẽ còn kéo dài, thậm chí vẫn trông chờ vào một phép nhiệm màu nào đó, nhưng sự nghiệt ngã của bệnh tật đã làm chúng ta mất đi một con người đáng được quý trọng, đáng được tôn vinh! Đối với tôi, một người bạn, một người anh, một người thân, một nhân cách lớn thầm lặng đã ra đi để lại vô vàn sự tiếc nuối cho người thân, bạn bè, cộng sự, lãnh đạo địa phương và cá nhân mình!
Ông Lê Minh Hoan kêu gọi giữ thương hiệu xoài Cao Lãnh khi ở cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp. Ảnh tư liệu
Như một cơ duyên, khi tôi ra trường trở về quê công tác là lúc Anh cũng từ Thanh Bình về Cao Lãnh để bắt đầu một sự nghiệp mới. Thấm thoát mà đã trải qua hơn 30 năm rồi. Trong ngần ấy thời gian, chúng tôi có dịp gần gũi, đồng hành với những chuyến đi suốt dọc chiều dài đất nước, trên những chặng hành trình tìm kiếm, mở mang thị trường ra nước ngoài với biết bao sẻ chia về chuyện người, chuyện đời, chuyện xứ người ta, chuyện xứ mình. Cũng từ những câu chuyện hàn huyên, những buổi đối thoại, những bức thư điện tử qua lại đã làm cho tôi càng ngày càng cảm nhận được sâu thẳm trong Anh ẩn chứa tính nhân văn, tình người, tình quê, cảm nhận về một con người sống đầy nghĩa tình, chân chất, thầm lặng, không khoa trương.
Đi lên từ một người nghèo khó, từ một vùng quê nghèo khó nên Anh luôn đau đáu về quê hương xứ sở, thấu cảm được nổi nhọc nhằn của những người nông dân một nắng - hai sương. Khi tỉnh nhà bắt đầu triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Anh là người bắt nhịp rất nhanh và luôn ủng hộ quyết sách này. Anh tâm sự: Cỏ May sẽ đồng hành với lãnh đạo Tỉnh trong liên kết với nông dân, tạo ra thương hiệu cho hạt gạo Đồng Tháp nhằm tạo giá trị gia tăng cao hơn mới giúp được cho bà con mình nâng cao thu nhập, cuộc sống khấm khá hơn. Và từ đó, thương hiệu gạo Việt NOSAVINA "Made in Dong Thap" ra đời, với những "Lài Đông Xuân", "Sen Hè Thu", "Cúc Thu Đông"... Anh tâm sự hết sức chân thành: "Một con én không thể làm nên mùa Xuân, một mình Cỏ May không thể giúp nhiều cho tái cơ cấu nông nghiệp, lãnh đạo Tỉnh phải làm sao cổ vũ cả cộng đồng doanh nghiệp cùng ra trận thì mới mong đạt kết quả như kỳ vọng!". Tôi nhớ mãi và càng trân trọng, càng thấm thía ý tưởng tâm huyết của Anh như thế!
Doanh nhân Phạm Văn Bên và hồ sơ thiết kế ký túc xá miễn phí cho sinh viên giờ đã thành hiện thực. Ảnh: Vân Trường/Tuổi Trẻ
Trong một buổi tối đi công tác Ban-tia Miên-chay (Campuchia), Anh hỏi vì sao Tỉnh rủ Anh cùng tham gia chuyến đi này? Tôi trần tình, muốn mần ăn lớn thì phải biết ta biết người chứ, rủ Anh cùng đi để biết đâu Anh sẽ phát hiện ra được cơ hội gì đó về mở rộng sản xuất, đầu tư thêm nhà máy mới. Anh ngẫm nghĩ hồi lâu rồi tâm sự, tôi muốn nghỉ ngơi rồi, cơ nghiệp tôi gầy dựng từ một người sản xuất xà bông thời bao cấp đến một doanh nghiệp chế biến gạo như vầy là tôi đã không thể ngờ tới rồi, "Ông đừng có xúi dại!". Tôi bắt mạch câu chuyện và đẩy đưa, đúng là Anh có thể nghỉ ngơi, có thể dừng lại, sản nghiệp của Anh đã đầy đủ rồi, nhưng Anh phải nghĩ đến các thế hệ mai sau, nghĩ đến bà con mình, quê hương mình nữa chứ! Và, cũng từ buổi tối hôm đó, sau này Anh hay nói đùa, cũng tại "lời xúi dại" đó mà Cỏ May tiếp tục mở rộng, đầu tư mới. Và lại có thêm nhiều Cỏ May mới: Cỏ May Lai Vung, Cỏ May Essential ra đời. Và, biết bao người có công ăn việc làm từ một quyết định dũng cảm, nặng tình để tiếp tục dấn thân từ một người có vóc hình nhỏ bé nhưng luôn tràn đầy tinh thần mạnh mẽ như Anh.
Cả cuộc đời làm doanh nhân của mình, tôi đoán rằng Anh không có thời gian nhiều để học bài bản các khoá kinh tế, tiếp cận các lý thuyết quản trị, kinh doanh này nọ. Anh chỉ làm và làm tốt bằng sự tinh tế, nhạy bén của mình, bằng sự thấu cảm của mình. Nhìn Anh ngồi xếp bằng hỏi han từng người công nhân, rồi chăm chút cho đời sống cho mọi người bằng những quyển sổ tiết kiệm, quỹ học bổng, hỗ trợ xây cất nhà cửa... mới thấy Anh đối nhân - xử thế như thế nào. Anh đối đãi với cộng sự, với những người giúp việc, lao công, bốc xếp của mình như những người thân, những ân nhân đã giúp Anh vượt bao sóng gió thương trường.
Anh đã thực hiện đúng câu của ông bà mình dạy: "Của cho không bằng cách cho". Những năm cuối đời, mặc dù sức khỏe đã cạn dần, nhưng Anh lại dành nguồn vốn 37 tỷ đồng để xây dựng Ký túc xá trên phần đất của Trường Đại Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời hằng năm còn cấp khoảng 15 tỷ đồng lo chi phí cho sinh viên ở trong ký túc xá này nữa. Mấy ai trong đời làm được những chuyện như vậy? Chắc là có, nhưng chắc là hiếm lắm! Thực hiện được ước mơ cháy bỏng cả cuộc đời mình bằng tấm lòng thiện nguyện, trong sáng, chắc Anh đã trải qua nhiều đêm trăn trở, dằn vặt giữa cái riêng và cái chung, giữa gia đình và xã hội, giữa hiện tại và tương lai. Anh hằng mong mỏi mai này có một thế hệ người "vừa có tài mà phải có tâm". Anh chính là một "Người Thầy không bục giảng", một người thấm đẫm "đạo làm người, đạo làm doanh nhân", một người không phải là người trí thức nhưng hiểu sức mạnh của tri thức là động lực phát triển cho mỗi con người và cho xã hội.
Khi được đề cử đi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc vừa rồi, biết sức khoẻ của mình đã yếu, đi xa nhiều rủi ro nên Anh lần lữa không muốn đi. Tôi đánh bạo khích lệ Anh đi vì cảm nhận rằng chắc đây là lần cuối được đồng hành cùng Anh, vì trong tôi, Anh là một con người yêu nước thực thụ, mặc dù cả cuộc đời mình Anh không bao giờ nghĩ hay tuyên ngôn như vậy. Anh yêu nước theo kiểu riêng Anh, thầm lặng nhưng đong đầy nghĩa cử cao đẹp với xã hội, góp từng viên gạch nhỏ cho sự phát triển của đất Sen hồng!
Vĩnh biệt Anh, mãi vang vọng trong tôi câu hát: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng". Anh ra đi, nhưng Anh vẫn mãi còn đó, vẫn mãi lưu trong ký ức của tôi về một con người luôn "khiêm tốn và không ngừng hoàn thiện nhân cách của mình" như lời Anh nhắn nhủ lại cho gia đình, cho cháu con, cho mọi người!