Ngày 15-5, Đại sứ quán Mỹ tại Philippines đã tổ chức buổi hội thảo trực tuyến về tình hình Biển Đông. Hội thảo có sự tham gia của bốn chuyên gia đến từ nhiều nước khác nhau, trong đó có Viện trưởng Viện Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam - TS Nguyễn Hùng Sơn.
Theo đó, các chuyên gia đều đồng ý Trung Quốc (TQ) đang lợi dụng tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới để tranh thủ mở rộng ảnh hưởng ở Biển Đông. Do đó, các nước ASEAN, dù đang tập trung chống dịch, cũng cần phải hết sức cảnh giác trước các diễn biến ở thực địa.
Hơn 10 năm dai dẳng tranh chấp Biển Đông
Theo chuyên gia Sumathy Permal thuộc Viện Nghiên cứu hàng hải Malaysia, tranh chấp chủ quyền giữa các nước trong khu vực và TQ nay đã bước sang năm thứ 11 tính từ lúc Bắc Kinh công bố cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn” vào năm 2009 bao trùm 80% Biển Đông. Động thái này dĩ nhiên bị dư luận quốc tế lên án kịch liệt vào thời điểm đó.
Trong cùng năm đó, hải quân TQ xảy ra đụng độ với một tàu trinh sát của Mỹ ở Biển Đông. Ý đồ của hành động này được bà Permal đánh giá là cách mà Bắc Kinh tuyên bố đã đến lúc TQ bước qua thời kỳ “giấu mình chờ thời” để “dang rộng đôi cánh” ở Biển Đông.
Đến giữa năm 2012, xung đột ở Biển Đông leo thang khi Philippines bắt giữ các tàu cá TQ đang đánh bắt gần bãi cạn Scarborough của nước này. Cáo buộc Manila cố tình quân sự hóa tranh chấp chủ quyền, Bắc Kinh đã điều tàu hải giám đến khu vực này và gây nên cuộc đối đầu căng thẳng chưa từng có trong suốt 10 tuần khiến Mỹ phải vào cuộc và yêu cầu hai bên kiềm chế.
Sau nhiều tuần đàm phán, với vai trò trung gian, các quan chức Mỹ đã giúp xây dựng thỏa thuận yêu cầu hai bên sẽ cùng rút lui khỏi khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, TQ lại không tuân thủ thỏa thuận đề ra mà vẫn duy trì các tàu hải cảnh tại khu vực này và theo thời gian, chiếm luôn quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough.
Đến tháng 5-2014, TQ bất ngờ đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam khiến Việt Nam lên án kịch liệt. Giữa hai bên cũng xảy ra một số va chạm nhất định trên thực địa.
Từ đó đến nay, chiến lược mà TQ sử dụng để khẳng định tuyên bố chủ quyền phi pháp của mình có thể tóm gọn như sau: Nước này sẽ điều các nhóm tàu hải cảnh hùng hậu đến khu vực tranh chấp để uy hiếp các nước có liên quan, song song với việc cải tạo và quân sự hóa các thực thể mà TQ chiếm đóng trái phép. “Rõ ràng Bắc Kinh đã đi một nước cờ lớn trong việc sẵn sàng cho xung đột vũ trang ở Biển Đông” - bà Sumathy Permal nhận định.
Trong năm 2020, giữa lúc toàn thế giới cũng như khu vực Đông Nam Á phải vật lộn chống chọi đại dịch COVID-19, TQ liên tục có những bước đi đáng lo ngại khi tổ chức các cuộc tập trận và xua tàu di chuyển ngang dọc trên Biển Đông. Nghiêm trọng hơn, TQ hồi tháng 4 còn ngang nhiên lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
“Tôi đồng ý với các ý kiến cho rằng những động thái này của Bắc Kinh hoàn toàn không phải là vô tình mà là đã có chuẩn bị từ rất lâu. COVID-19 cung cấp cho TQ một điều kiện không thể hoàn hảo hơn” - bà Sumathy Permal nhấn mạnh.
Tàu chiến TQ tập trận trên Biển Đông hồi tháng 7-2016: Ảnh: TÂN HOA XÃ
Hướng đi nào cho ASEAN?
TS Nguyễn Hùng Sơn nhận định để đối phó với TQ trong thời gian tới, các nước ASEAN cần có được một góc nhìn bao quát toàn cảnh để từ đó đưa ra được cách tiếp cận đa phương. Cụ thể, tất cả thành viên nội khối phải cùng hợp tác để thúc đẩy đoàn kết và thống nhất nội khối. ASEAN cũng nên phối hợp cùng các đối tác khác ngoài khu vực có chung lợi ích về an ninh và ổn định khu vực để cải thiện năng lực răn đe quân sự, nâng cao vị thế khi đối đầu với TQ. Các chuyên gia trong hội thảo cũng đều đồng ý ASEAN có vai trò đặc biệt quan trọng trong kiến trúc khu vực nói chung và kiểm soát, quản lý tranh chấp Biển Đông nói riêng.
Bắc Kinh đang đẩy mạnh hoạt động không chỉ riêng tại Biển Đông mà còn ở nhiều khu vực khác trên toàn thế giới, kể cả châu Âu. Điều này phản ánh quan điểm của lãnh đạo TQ rằng COVID-19 chính là thời cơ chiến lược để thu được lợi ích. TS NGUYỄN HÙNG SƠN, Viện trưởng Viện Biển Đông |
“ASEAN sẽ còn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo để xây dựng cơ chế hợp tác khu vực và dung hòa lợi ích của các bên trong bối cảnh các nước lớn cạnh tranh gay gắt nhằm xây dựng trật tự khu vực có lợi cho họ” - chuyên gia người Malaysia Sumathy Permal cho biết. Bà còn cho rằng việc ASEAN thông qua Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hồi tháng 6-2019 là một hành động kịp thời và phản ánh đúng mục tiêu giải quyết mâu thuẫn thông qua luật pháp quốc tế mà khối này đề ra.
Đáng chú ý, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) Gregory Poling cảnh báo nếu ASEAN không chung tay ngăn cản các hành động phi pháp của TQ, mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn rất nhiều do tài nguyên Biển Đông đang bị tàn phá nặng nề vì các hoạt động bồi đắp, cải tạo trái phép của TQ. Ông Poling cũng thừa nhận việc thuyết phục TQ thay đổi hành vi tuy rất khó khăn nhưng không phải là điều bất khả thi khi mọi thứ được tiến hành theo nguyên tắc đa phương.
Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật biển (Philippines) Jay Batongbacal lưu ý nhiều nước ASEAN gần đây đã có những bước đi mạnh mẽ và đúng đắn trong nỗ lực siết chặt đoàn kết nội khối. Mới đây nhất có thể kể đến là việc Philippines công khai lên án việc tàu TQ đâm chìm tàu đánh cá Việt Nam vào tháng 4-2020.
ASEAN cũng nên tận dụng lúc TQ đang phải đối mặt với làn sóng phản ứng dữ dội toàn cầu do khủng hoảng bởi COVID-19 để tăng cường phản đối các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.
“Suy thoái toàn cầu và sự cạnh tranh Mỹ-Trung có thể làm suy yếu vị thế toàn cầu của TQ. Thời gian tới, TQ chắc chắn sẽ không dừng lại các động thái mở rộng ảnh hưởng ở Biển Đông, đặc biệt là họ sẽ cố tình kéo dài đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thêm vài năm. Do đó, đoàn kết ASEAN là biện pháp hiệu quả duy nhất để chống lại Bắc Kinh” - ông Jay Batongbacal nhấn mạnh.
Việt Nam lên tiếng về các hoạt động của Trung Quốc Trước thông tin TQ điều các máy bay KJ-500 và KQ-200 đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam ngày 13-5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 14-5 đã lên tiếng khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với hai quần đảo trên phù hợp với luật pháp quốc tế. “Mọi hoạt động của các bên tại hai quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị. Trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay, Việt Nam đề nghị các bên không có hành động làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông” - bà Hằng nhấn mạnh. |