Biển Đông: Thế giới lập các 'vành đai' cô lập Trung Quốc

Giữa lúc Việt Nam đang đối mặt với đại dịch bùng phát, Trung Quốc (TQ) ngang ngược tiến hành tập trận phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Không bất ngờ, Bắc Kinh luôn sành sỏi trong việc sử dụng sức mạnh cơ bắp để gây sức ép trước các nước ở khu vực, hòng lấn tới từng bước để biến Biển Đông thành “ao nhà”. Tuy nhiên, các động thái quấy rối và phi pháp của Bắc Kinh đang đẩy nước này lún sâu vào vòng vây cô lập của các nước.

Ngày càng nhiều nước muốn cô lập Trung Quốc

Viễn cảnh quốc tế sẽ dần “cô lập” TQ vốn có thể diễn ra khi các nước đứng trước những động cơ, lợi ích chung. Thứ nhất, tham vọng của TQ trong việc độc chiếm Biển Đông – vùng biển quan trọng của thế giới – là quá rõ ràng và chiến lược TQ triển khai là rất nguy hiểm. Chí ít tham vọng ấy cũng được tìm thấy trong các công hàm mà Bắc Kinh đệ trình lên Liên Hợp Quốc (LHQ) với bản đồ đường lưỡi bò mà Bắc Kinh muốn “ôm” trọn trên 90% diện tích vùng biển này.

Thứ hai, nhiều cường quốc hàng đầu lẫn tầm trung của thế giới, nổi bật là Mỹ, Canada, Anh, Đức, Nhật Bản, Úc… đều chống lại yêu sách TQ, tuyên bố ủng hộ Phán quyết của Tòa Trọng tài 2016. Sau hơn 5 năm, Phán quyết này ngày càng được nhiều quốc gia tuyên bố ủng hộ. Mới nhất, New Zealand đã đệ công hàm lên LHQ bày tỏ ủng hộ phán quyết nói riêng và Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) năm 1982 nói chung. Nhiều chuyên gia kỳ vọng các nước sẽ sớm hình thành một “liên minh pháp lý” ủng hộ Phán quyết, bác yêu sách đường lưỡi bò, tạo ra “nền tảng nhận thức chung” lý tưởng để làm bàn đạp cho các sáng kiến hợp tác an ninh, kinh tế đối phó TQ.

Trích công hàm New Zealand gửi lên Liên Hợp Quốc, tuyên bố ủng hộ UNCLOS. Ảnh chụp màn hình

Thứ ba, các động thái của TQ trên Biển Đông là nguy hiểm đối với an ninh khu vực. Thời gian qua, số vụ quấy rối, đe dọa, tấn công, truy đuổi,… từ các tàu thuyền TQ (bao gồm cả lực lượng vũ trang và bán vũ trang) là không kể hết. Không chỉ các quốc gia trong khu vực như Philippines, Indonesia, Malaysia, Việt Nam bị đe dọa, quấy nhiễu mà tàu thuyền, máy bay của các nước khác khi thực hiện các hoạt động nằm trong khuôn khổ tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế cũng bị phía TQ tìm nhiều cách để xua đuổi, dọa nạt. Thế nên, hành xử phi pháp của TQ không chỉ ngày càng được nêu nhiều ở các diễn đàn an ninh khu vực và thế giới, mà còn trở thành “mối lo ngại hàng đầu” của các nước.

Chủ trương nhất quán của Việt Nam là hoạt động trên biển của các quốc gia trong và ngoài khu vực cần tuân thủ đúng các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đóng góp có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, trật tự, thượng tôn pháp luật, hợp tác trên biển vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu hôm 5-8

 

Đánh vào “nỗi sợ hãi” của Trung Quốc

Trong chiến lược bành trướng Biển Đông của mình, TQ hiểu rõ nếu sự hiện diện của các nước, đặc biệt các quốc gia bên ngoài khu vực như Mỹ, châu Âu, Ấn Độ, Úc, Nga… càng nhiều thì Bắc Kinh càng bị “ghè chân”. Bắc Kinh trước hết sẽ lo ngại việc Mỹ cùng hệ thống đồng minh, đối tác có thể mở ra các sáng kiến an ninh để tăng cường hiện diện trên thực địa bằng hải quân, hoạt động tình báo, hợp tác cảnh sát biển, hệ thống giám sát biển… Một cục diện hợp tác an ninh có thể “thu nhỏ” Biển Đông vào tầm ngắm của Mỹ cùng hệ thống đồng minh, đối tác với các phương án phòng vệ lẫn tác chiến mạch lạc sẽ thách thức Bắc Kinh có thể triển khai các động thái quân sự có ý nghĩa như nước này từng chiếm Bãi cạn Scarborough (Philippines) năm 2012, hay chiếm một số thực thể khác vào những thập niên trước đó. 

Hơn hết, một chiến lược hợp tác kinh tế như xây dựng các chuỗi cung-ứng hàng hóa, năng lượng khu vực và liên khu vực; mở ra các sân chơi thương mại (ví dụ các FTAs thế hệ mới) giữa Mỹ và các nước châu Á-Thái Bình Dương mà TQ bị “đứng ngoài cuộc” cũng sẽ khiến Bắc Kinh lo ngại. Nói cách khác, nếu Mỹ và các nước hình thành được một “vành đai” khép kín về hợp tác kinh tế với tính ưu việt về cơ chế và lợi ích, thì các sáng kiến của Trung Quốc như Vành đai – Con đường, “ngoại giao Nhân dân tệ” của Bắc Kinh khó lòng có thể lôi kéo, gây ảnh hưởng lên khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng.

Trước, trong và sau các chuyến thăm của chính khách Mỹ và châu Âu đến các nước Đông Nam Á, truyền thông TQ luôn có những bài xã luận để cảnh báo/cảnh cáo và đe dọa: (i) các nước khu vực không nên xích lại gần phương Tây; trong khi (ii) các nước phương Tây phải đứng ngoài cuộc về Biển Đông. Đây cũng chính là “nỗi sợ hãi” thật sự và dài hạn của Bắc Kinh.

Trung Quốc không thể ngăn cản các nước

Mới đây, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản TQ) có bài xã luận “Các chuyến thăm liên tiếp của Mỹ không thể làm lay chuyển chính sách “bốn không” của Việt Nam”. Bài viết nhắc lại chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến Việt Nam hồi tháng trước, và đề cập đến chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Việt Nam dự kiến vào cuối tháng 8 này. Quá rõ ràng, bài viết trên chuyển đi hai thông điệp: (i) TQ muốn Mỹ đừng nghĩ đến chuyện lôi kéo các nước vào cạnh tranh Mỹ-Trung; và (ii) Bắc Kinh cảnh báo, đe dọa các nước trong khu vực phải tránh xa, “không đồng minh” hay xích lại quá gần với Mỹ.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ đến thăm Singapore và Việt Nam cuối tháng này. Ảnh: Alex Wong/GETTY IMAGES

Tuy nhiên, xu hướng gia tăng hiện diện của Washington tại khu vực là điều không thể đảo ngược, chí ít là từ thời Tổng thống Barack Obama. Hồi tháng 3-2021, Chỉ dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời (Interim National Security Strategic Guidance) của Mỹ chuyển tải thông điệp rất rõ: Lợi ích quốc gia quan trọng của Mỹ chắc chắn gắn liền với Ấn Độ-Thái Bình Dương…

Mỹ sẽ thắt chặt quan hệ với các quốc gia như Ấn Độ, New Zealand, Singapore, Việt Nam và ASEAN để đảm bảo mục tiêu chung. Trong khi đó, Mỹ nhận diện TQ là quốc gia đang phối hợp kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để thách thức một trật tự thế giới ổn định và cởi mở. Trên cơ sở đó, Mỹ kỳ vọng sẽ phục hồi và nâng cấp mối quan hệ với các đồng minh và đối tác của họ, nhằm tạo ra một khối cùng tầm nhìn, cùng chiến tuyến, tạo ra các nguyên tắc quốc tế hiệu quả và yêu cầu các quốc gia như TQ phải đồng thuận.

“Cuộc chơi” này chắc chắn không chỉ Mỹ và một số nước ASEAN. Mỹ cần đến châu Âu và các quốc gia lớn ở châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, New Zealand… Trong hai năm qua, các quốc gia này quan tâm và hiện diện ngày càng nhiều hơn ở Biển Đông. Ngay như các nước EU vốn bị chỉ trích khi tỏ ra “hòa hiếu” với TQ về Biển Đông, cũng đã bắt đầu rộ dần hành động.

Sau công hàm Anh-Pháp-Đức lên LHQ bác yêu sách TQ, các nước này thường xuyên cho tàu đến Biển Đông. Hồi tháng 2, Pháp cũng đưa tàu ngầm tấn công hoạt động bằng năng lượng hạt nhân tiến hành tuần tra qua Biển Đông. Đến tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Anh tiết lộ kế hoạch triển khai thường trực hai tàu hải quân tại châu Á vào cuối năm nay. Kế hoạch này được thực hiện sau khi tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đi qua Biển Đông. Gần nhất có thể kể đến tàu hộ vệ tên lửa Bayern của Đức và hơn 200 thành viên thủy thủ đoàn rời cảng Wilhelmshaven đã bắt đầu hành trình đến châu Á - Thái Bình Dương. Dự kiến họ đến thăm Việt Nam, Singapore, Hàn Quốc và Úc. Trong tháng 8, Ấn Độ cũng sẽ cử bốn tàu chiến đến Biển Đông để tham gia một loạt cuộc tập trận trong suốt hai tháng với Mỹ, Nhật Bản và Úc.

Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh. Ảnh: TWITTER/SCMP

Sau Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016, TQ vẫn kiên quyết xem đó là “tờ giấy không giá trị”, tiếp tục triển khai kế hoạch độc chiến Biển Đông. Trong khi đó, nhận thức của thế giới về âm mưu, kế hoạch của TQ ngày càng rõ ràng. Các quốc gia trên thế giới dù xích lại gần nhau theo kiểu đồng minh, các liên kết kiểu mới hay theo kiểu đối tác phi đồng minh, thì cũng dần hình thành các vành đai an ninh và kinh tế khiến chiến lược của TQ ngày càng gặp nhiều trở ngại.

Việt Nam – Mỹ: “4 không” nhưng vẫn xích lại gần nhau

Thời gian qua, Việt Nam nhất quán nguyên tắc “4 không”, trong đó có không “đồng minh” với bất kỳ nước nào (bao gồm cả Mỹ) để chống nước khác. Tất nhiên, Mỹ đã hiểu điều này. Thậm chí, một số quan chức Mỹ trước đây từng tiết lộ tiếp cận theo kiểu “đồng minh” sẽ không có lợi cho Việt Nam và kể cả Mỹ.

Quan hệ Việt-Mỹ sẽ cần nhìn vào các vấn đề mang tính thực chất hơn: Nâng cao quan hệ ngoại giao, hướng tới tương lai; Thắt chặt hơn nữa hợp tác kinh tế, an ninh-quốc phòng (trong đó có vấn đề Biển Đông) dựa trên các nền tảng chung như (i) tin tưởng và chân thành, (ii) thượng tôn pháp luật, trong đó chia sẻ với nhau về cách hiểu và vận dụng luật pháp quốc tế như UNCLOS.

 
   

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm