Sáng 8-7, Bộ Nội vụ Pháp đã công bố kết quả chính bầu cử quốc hội Pháp vòng hai với màn lội ngược dòng ngoạn mục của liên minh Mặt trận Bình dân mới (NFP), đài CNN đưa tin.
Theo Bộ Nội vụ Pháp, liên minh NFP đã giành được 182 ghế, kế đến là liên minh trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron với 163 ghế và đứng thứ ba đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) với 143 ghế.
Kết quả bầu cử ngày 7-7 gây bất ngờ cho người dân và giới lãnh đạo chính trị Pháp khi kết quả bầu cử vòng một cũng như các cuộc thăm dò trước vòng hai đều cho thấy đảng RN sẽ dẫn đầu.
Vậy liên minh cánh tả ở Pháp có gì đặc biệt và liệu sẽ có thủ tướng mới của Pháp đến từ liên minh này?
Biết gì về NFP?
NFP bao gồm nhiều đảng: đảng cực tả France Unbowed (Nước Pháp không khuất phục); đảng Xã hội ôn hòa hơn; đảng xanh Ecologist; đảng Cộng sản Pháp; đảng trung tả Place Publique và các đảng nhỏ khác.
Liên minh này được thành lập chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Emmanuel Macron hôm 9-6 giải tán quốc hội, kêu gọi bầu cử quốc hội bất thường do thất bại của đảng Phục Hưng của ông trước đảng RN tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.
“Sau thất bại tại cuộc bầu cử châu Âu, ông Emmanuel Macron đã lựa chọn một canh bạc bầu cử vào thời điểm mà phe cực hữu đang ở thời kỳ hùng mạnh nhất, đứng trước nguy cơ chứng kiến phe này lên nắm quyền lần đầu tiên kể từ Thế chiến hai. Chỉ có một phe cánh tả thống nhất mới có thể ngăn cản được điều này” - ông Olivier Faure, lãnh đạo đảng Xã hội, phát biểu kêu gọi lập liên minh.
Chính sách của NFP là gì?
Về chính sách đối ngoại, NFP đã cam kết “ngay lập tức công nhận” một nhà nước Palestine và sẽ thúc đẩy Israel và phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas ngừng bắn ở Dải Gaza.
NFP vận động trên một nền tảng kinh tế mở rộng, hứa sẽ tăng mức lương tối thiểu hàng tháng lên 1.600 euro (hơn 1.700 USD) và đặt giá trần cho các loại thực phẩm thiết yếu, điện, nhiên liệu và khí đốt.
Đảng này cũng cam kết hủy bỏ cải cách lương hưu (trong đó có điều khoản tăng tuổi nghỉ hưu), một chính sách không được lòng dân, của ông Macron.
Theo các nhà phân tích, dù những lời cam kết này được nhiều người ủng hộ, nhưng sẽ khó thực hiện trong bối cảnh nước Pháp có thể đang hướng đến thời kỳ thắt lưng buộc bụng do thâm hụt ngân sách hậu COVID-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng.
Ai có thể làm thủ tướng?
Hiến pháp Pháp cho phép tổng thống chọn thủ tướng theo ý mình, tuy nhiên quốc hội có thể buộc chính phủ giải tán nên tổng thống thường sẽ chọn người được quốc hội chấp nhận.
Trong trường hợp này, thủ tướng có thể đến từ liên minh cánh tả, phe chiếm đa số trong quốc hội mới. Tuy nhiên, do được thành lập từ nhiều đảng khác nhau, với quan điểm khác nhau nên khó đoán định liên minh này sẽ đề cử ai làm thủ tướng.
Nhân vật nổi bật nhất và cũng là gây chia rẽ nhất trong liên minh là ông Jean-Luc Mélenchon (72 tuổi), một người theo chủ nghĩa dân túy và là lãnh đạo lâu năm của đảng France Unbowed. Đảng của ông Mélenchon là đảng lớn nhất trong liên minh.
Ngày 7-7, ông Mélenchon đã yêu cầu ông Macron bổ nhiệm thủ tướng từ liên minh NFP và để liên minh thực hiện toàn bộ chương trình nghị sự. Phía đảng của ông Macron đã nhiều lần tuyên bố sẽ từ chối hợp tác với đảng France Unbowed, cho rằng đảng này cực đoan và không đủ năng lực để quản lý nên không nhiều khả năng ông Macron sẽ chọn ông Mélenchon.
Ngoài ra, ông Mélenchon cũng không được lòng nhiều cử tri Pháp. Ba lần vận động tranh cử tổng thống của ông Mélenchon đều bị chỉ trích vì cáo buộc ông này theo chủ nghĩa bài Do Thái. Trong một cuộc khảo sát gần đây của hãng Ifop được thực hiện với cử tri Do Thái ở Pháp, 57% nói rằng sẽ rời khỏi Pháp nếu đảng của Mélenchon nắm quyền.
Những gương mặt được chấp nhận nhiều hơn trong liên minh có thể là ông Olivier Faure, đảng viên đảng Xã hội, hoặc ông Raphaël Glucksmann, nhà lãnh đạo ôn hòa đến từ đảng Place Publique và là thành viên của Nghị viện châu Âu.