“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông” hay “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc/ Áo nàng xanh anh mến lá sân trường” khi nhìn những cô nữ sinh Gia Long, Trưng Vương áo trắng tung bay như những con chim câu nhỏ giờ tan lớp.
Thuở ấy, chưa có ai đặt ra câu hỏi mang tính… triết học: Vậy chớ áo lụa Hà Đông, áo màu vàng là áo gì, áo pull hay áo lá, bà ba hay áo… soutien? (nhà thơ Nguyên Sa từng có câu thơ táo bạo Ngón tay nào mở áo soutien chớ bộ chơi sao!). Bởi ai cũng đều phải tự biết, tự mặc định về chiếc áo mà con gái hay mặc lúc đó là chiếc áo dài. Dù cho “Áo em trắng quá nhìn không ra” (Hàn Mặc Tử) hay áo màu tím mà ngày xưa anh vẫn yêu, hoặc áo xanh mộng mị bay vào thơ của Bùi Giáng cũng thế, các nhà thơ không cần thêm chữ “dài” chi cho mệt, vì lúc ấy phụ nữ chỉn chu, thuần chất “con nhà lành” đều mặc áo dài khi đi ra đường.
Những gương mặt Nữ sinh áo dài 2017. Ảnh: PLO
Hồi nhỏ tôi được chiêm ngưỡng chiếc áo dài từ mẹ rồi sau đó là từ các chị hằng ngày đi ngang trước cửa nhà tôi để lên quận làm việc. Bất kể đó là áo dài cổ cao hay áo dài “bà Nhu” hở cổ, nhìn chiếc áo dài nào cũng đẹp.
Đứa bé gái 11 tuổi thi đậu vào trường công hay học trường tư đều phải mặc áo dài để đi học. Nữ sinh học bảy năm trung học, hằng ngày phải mặc áo dài đến trường nên áo dài trở nên chiếc áo quá đỗi thân thuộc. Khi lớn lên, cô gái vào đại học vẫn mặc áo dài dù lúc đó trường đại học không bắt buộc.
Khi đi vào công sở, đa số các cô vẫn mặc áo dài, mặc dầu sau này Sài Gòn đã có đủ các loại thời trang như mini jupe, robe, maxi, quần pat áo pull… Những loại thời trang vừa kể sau thường được diện trong những lúc đi chơi nhưng khi làm việc hay đến những nơi công cộng thì áo dài là “binh chủng” chủ lực trong cuộc tấn công vào mắt đàn ông.
Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/ Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi... Ảnh: PLO
Nếu có dịp nhìn lại các nữ minh tinh ngày ấy như Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Kim Cương, Thanh Nga và một số nữ ca sĩ như Khánh Ly, Giao Linh, Phương Dung, Thanh Tuyền… thì thấy họ đều diện áo dài khi xuất hiện trước công chúng. Trông họ rất duyên dáng, thanh lịch và nền nã mà cũng không kém phần hấp dẫn “chết người”. Cái bí mật của chiếc áo dài là ở chỗ “hở một cách kín đáo”.
Được xem người phụ nữ mặc áo dài năm 1860 do một nhiếp ảnh gia người Pháp chụp (nhà nhiếp ảnh Tam Thái sưu tập) thì thấy chiếc áo dài ngày trước không khác chiếc áo dài hôm nay bao nhiêu. Qua bao nhiêu năm biến cải từ gốc đến Le Mur, áo dài bà Nhu, áo dài tay raglan, áo dài mini… và bây giờ là phong trào mặc chiếc áo dài cô Ba của những năm 1960 thì chiếc áo dài vẫn xinh đẹp, nền nã và thanh lịch.
Có một dạo chiếc áo dài tự nhiên biến mất, sau đó thì hồi sinh trở lại từ những cuộc kêu gọi như trình diễn thời trang áo dài, cuộc thi “Hoa hậu Áo dài năm 1989” do báoPhụ Nữ TP.HCM khởi xướng, tổ chức. Áo dài dần dần là những ký ức được phục hồi, kết nối vòng tay thiếu nữ: “Đẹp biết bao quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu/ Dù ở đâu, Paris, London hay những miền xa/ Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/ Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi” (Từ Huy).
Tuy nhiên, không nên lạm dụng áo dài biến tấu hai, ba tầng với quần lửng ống loe, áo dài mặc với quần jean hay áo dài mặc với quần short, kết ren tua tủa, hoa văn lổn nhổn thì tội nghiệp cho chiếc áo dài lắm lắm!