Một số cư dân sống tại chung cư nhà ở xã hội Ecohome Nhơn Bình (phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn, Bình Định) đang đứng ngồi không yên vì nguy cơ bị thu hồi căn hộ mà họ đã sinh sống cả năm qua.
Nhà ở một năm đi làm sổ lại bị từ chối
Sau gần một năm nhận nhà, nhiều cư dân tại chung cư nhà ở xã hội Ecohome Nhơn Bình, do Công ty TNHH Ecohome Nhơn Bình làm chủ đầu tư, bất ngờ khi không làm được giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ (sổ hồng). Trong số này có ba trường hợp dở khóc dở cười vì phát sinh khoản thuế thu nhập cá nhân không thường xuyên. Chị Lê Thị Thanh Thảo, một trong ba trường hợp này, chia sẻ tháng 4-2022, chị liên hệ với chủ đầu tư mua căn hộ tại dự án trên. Chủ đầu tư thông báo hồ sơ của chị đủ điều kiện mua nhà và đôi bên ký hợp đồng mua bán căn hộ trị giá 867.969.000 đồng.
Dọn về căn hộ ở được hơn một năm, chị Thảo đi làm thủ tục để được cấp sổ hồng. Tuy nhiên, đầu tháng 12-2023, chủ đầu tư thông báo chị không được làm sổ hồng và yêu cầu chị giải trình về khoản thuế thu nhập cá nhân phát sinh trong thời gian đăng ký hồ sơ mua nhà. Nếu chị Thảo không giải trình được, căn hộ sẽ bị thu hồi.
“Tôi làm hồ sơ xét duyệt theo quy trình, chủ đầu tư báo tôi đủ điều kiện. Tôi đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính, an cư được hơn một năm nay, giờ lại bị nói có nguy cơ thu hồi nhà là như thế nào?” - chị Thảo bức xúc.
UBND tỉnh Bình Định đã giao Sở Xây dựng chủ trì cuộc họp liên ngành cùng với chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cư dân.
Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, chủ đầu tư rà soát, xác minh từng hồ sơ. Nếu đúng đối tượng mua nhà thì sẽ được giải quyết; những trường hợp sai, Sở Xây dựng buộc phải yêu cầu chủ đầu tư thu hồi căn hộ. Ngoài ra, chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, bồi thường cho các hộ đã nhận nhà nhưng không đúng quy định.
Ông NGUYỄN TRỌNG HIỀN, Trưởng phòng Quản lý nhà ở và Phát triển đô thị, Sở Xây dựng tỉnh Bình Định
Ông Nguyễn Đường Hân, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh Bình Định, thông tin: “Cục Thuế ghi nhận trường hợp bà Lê Thị Thanh Thảo có đóng thuế thu nhập cá nhân không thường xuyên vào năm 2020 với số tiền 225.000 đồng; năm 2022 là 678.000 đồng. Tuy nhiên, cơ quan thuế chỉ có thể xác nhận họ có phát sinh thuế thu nhập cá nhân không thường xuyên với giao dịch cụ thể chứ không thể xác nhận được người này thuộc diện thu nhập cao hay thấp vì không đủ cơ sở và quyền hạn”.
Trao đổi với chúng tôi, trả lời câu hỏi chủ đầu tư chịu trách nhiệm ra sao khi Sở Xây dựng đã yêu cầu xóa tên khách hàng nhưng công ty vẫn bán nhà, ông Nguyễn Trường Quang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Ecohome Nhơn Bình, cho rằng: “Chủ đầu tư bán nhà dựa trên kê khai của người mua. Do vậy, chủ căn hộ phải có trách nhiệm giải trình các vướng mắc”.
Sở Xây dựng yêu cầu xóa tên, chủ đầu tư vẫn bán nhà
Theo tìm hiểu của PV, chị Thảo là một trong năm trường hợp Sở Xây dựng tỉnh Bình Định yêu cầu Công ty TNHH Ecohome Nhơn Bình xóa tên trong danh sách mua nhà. Lý do là qua kiểm tra, sở này phát hiện năm trường hợp có phát sinh thuế thu nhập cá nhân.
Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư phải thông tin đầy đủ lý do xóa tên đến người đăng ký mua nhà. Thế nhưng, chủ đầu tư dự án không thực hiện theo văn bản của sở mà vẫn ký hợp đồng mua bán nhà ở xã hội cho người dân.
Ông Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng phòng Quản lý nhà ở và Phát triển đô thị, Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, khẳng định: “Sở Xây dựng đã thông báo cho chủ đầu tư các trường hợp không đủ điều kiện. Chủ đầu tư nhận được thông tin nhưng không giải trình các trường hợp này mà vẫn tự ý bán nhà là sai. Nếu người mua bị thu hồi căn hộ, chủ đầu tư phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng”.
Thông tin thêm, ông Hiền cho biết về nguyên tắc, khi nhận được thông báo của sở, chủ đầu tư phải thực hiện hủy hồ sơ, đăng thông báo để người mua nhà được biết. Nếu có vướng mắc, chủ đầu tư và người mua nhà phải thực hiện giải trình gửi cho Sở Xây dựng xét duyệt lại.
Cân nhắc kỹ, không để ảnh hưởng quyền lợi người dân
Theo ThS Trần Minh Hiệp, giảng viên Tổ tài chính - ngân hàng, khoa Luật thương mại, Trường ĐH Luật TP.HCM, căn cứ theo Luật Nhà ở thì đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên.
Hiện không có định nghĩa rõ như thế nào là “nộp thuế thu nhập thường xuyên”. Trên thực tế, có thể hiểu thu nhập thường xuyên là tiền lương, tiền công ổn định hằng tháng, tiền cho thuê nhà…; còn thu nhập không thường xuyên là các khoản như trúng số, thừa kế, quà tặng… ThS Hiệp cho rằng thu nhập thường xuyên chỉ nên giới hạn với thu nhập từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh, cho thuê tài sản... vì nhìn chung các khoản thu nhập này đều có ngưỡng chịu thuế. Ví dụ, tiền lương thì có ngưỡng giảm trừ gia cảnh, kinh doanh thì có ngưỡng chịu thuế là 100 triệu đồng/năm.
“Đối chiếu với trường hợp này, tôi cho rằng cần xem xét kỹ số thuế mà người dân đã nộp là từ khoản thu nhập gì và thu nhập đó có vượt ngưỡng chịu thuế khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân hằng năm hay chỉ là khoản thu nhập tạm tính trên từng lần phát sinh thu nhập. Bởi theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013 của Bộ Tài chính thì thu nhập từ tiền lương, tiền công phát sinh từng lần từ 2 triệu đồng/lần đã phải bị khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp này, khoản thu của người dân là thu nhập không thường xuyên nên không vi phạm quy định về đối tượng mua nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở.
Nếu cơ quan chức năng chỉ dựa vào số thuế bị khấu trừ (chỉ vài trăm ngàn đồng) do phát sinh thu nhập từng lần, không ổn định mà không xét tổng thu nhập của cá nhân đó trong một năm có vượt ngưỡng chịu thuế hay không là chưa thỏa đáng và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân”.
NGUYỄN HIỀN ghi