Bình Định đưa huyện An Lão thoát khỏi tình trạng huyện nghèo, đặc biệt khó khăn

(PLO)- Thực hiện hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giữa kỳ giai đoạn 2021-2023, tỉ lệ nghèo đa chiều của huyện An Lão bình quân giảm 12,79%/năm với hơn 2.000 hộ thoát nghèo, cận nghèo.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tỉnh Bình Định có 1 huyện nghèo là huyện miền núi An Lão. Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tỉnh Bình Định, huyện An Lão đã xây dựng và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế xã hội miền núi gắn với xoá đói giảm nghèo.

Đa dạng kế sinh nhai giúp đồng bào dân tộc thiu số thoát nghèo

Triển khai Đề án hỗ trợ các huyện nghèo giai đoạn 2022-2025, chính quyền An Lão đã thí điểm và nhân rộng hai mô hình sinh kế: trồng dứa và chuối sứ tại xã An Nghĩa và An Toàn. Đồng thời, 9 dự án khác hỗ trợ chăn nuôi bò, trâu, gà, heo đen và trồng cây đương quy, thìa canh đã được thực hiện, tạo việc làm và thu nhập bền vững cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tại 9/10 xã, thị trấn.

Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, An Lão đã xây dựng 32 dự án hỗ trợ sinh kế cho 420 hộ nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Các dự án này hỗ trợ giống cây trồng và vật nuôi như heo, bò, trâu, gà và cây dừa xiêm.

Bình Định đưa huyện An Lão thoát khỏi tình trạng huyện nghèo, đặc biệt khó khăn.jpg
Dự án trồng dược liệu tại xã An Toàn, huyện An Lão giúp sinh kế bền vững, có thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Nhờ các hỗ trợ này, nhiều hộ nghèo, bao gồm các hộ gia đình DTTS, đã thoát nghèo. Ví dụ, gia đình ông Đinh Văn Khuya (dân tộc H’re, xã An Dũng) đã thoát nghèo nhờ vay 40 triệu đồng từ ngân hàng CSXH để mở rộng rẫy keo và đầu tư kinh doanh. Mỗi năm, gia đình ông thu nhập gần 80 triệu đồng, trả hết nợ ngân hàng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Ông Khuya là một trong những hộ đầu tiên ở xã An Dũng tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo vào cuối năm 2023.

Tương tự, gia đình ông Đinh Văn Cho (dân tộc H’re, xã An Quang) đã thoát nghèo nhờ vay vốn 50 triệu đồng từ ngân hàng CSXH và phát triển chăn nuôi heo đen. Kết hợp với việc nấu rượu và trồng 5 ha cây keo, gia đình ông Cho đã có thu nhập ổn định và cuộc sống cải thiện, đạt thu nhập bình quân hàng năm trên 150 triệu đồng. Năm 2021, gia đình ông đã thoát nghèo.

Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Để thực hiện thành công Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện An Lão đã mở 17 lớp đào tạo nghề cho 585 lao động nông thôn và phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bình Định tổ chức 10 phiên giao dịch việc làm cho gần 600 lao động. Các chính sách an sinh xã hội cũng được đảm bảo đến đúng đối tượng.

Cùng với chương trình giảm nghèo, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới cũng được lồng ghép, mang lại hiệu quả. Nhờ đó, chỉ tiêu giảm nghèo luôn đạt mục tiêu đề ra: cuối năm 2021, huyện có 3.313 hộ nghèo (36,13%). Đến cuối năm 2023, tỉ lệ nghèo đa chiều giảm còn 29,75% (2.083 hộ nghèo), với hơn 2.000 hộ thoát nghèo, cận nghèo; bình quân mỗi năm tỉ lệ hộ nghèo giảm 11,79%, vượt kế hoạch.

Đáng chú ý, giai đoạn này có 1 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, hoàn thành xây dựng nông thôn mới, đạt tỉ lệ 2/10 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn (An Hòa, An Tân). Hiện An Lão phấn đấu đến năm 2025 có thêm 5 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, trong đó có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Định, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo ở An Lão, đạt nhiều kết quả khả quan, đời sống người dân được cải thiện. Tuy nhiên đến cuối năm 2023, vẫn còn tình trạng thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản: chiều thiếu hụt về việc làm của huyện là 1.965 hộ; bảo hiểm y tế 2857 hộ; chỉ số nước sinh hoạt 566 hộ; chiều thiếu hụt về nhà ở, chỉ số chất lượng nhà ở 486 hộ…

“Tỉnh Bình Định xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên phát triển kinh tế xã hội. Giai đoạn này, tỉnh tập trung hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo giảm thiểu các thiếu hụt về nhà ở, nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thúc đẩy giảm nghèo bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ hộ nghèo của huyện An Lão dưới 6% và thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Tại kỳ họp giữa năm diễn ra vào trung tuần tháng 7 vừa qua, HĐND tỉnh Bình Bình đã quyết nghị thông qua Nghị quyết về việc ban hành Nghị quyết thí điểm phân cấp cho huyện An Lão trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 – 2025.

Với kinh phí hơn 197 tỉ đồng hỗ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện An Lão đã đầu tư xây dựng 35 công trình giao thông, thuỷ lợi thiết yếu; Thực hiện duy tu, bảo dưỡng tuyến đường đi xã An Vinh và đường liên xã. Giao thông thông xuất, người dân đi lại được thuận tiện, thúc đẩy việc thu mua nông sản, sản phẩm làm ra dễ tiêu thụ, duy trì giá trị ổn định...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm