Bình Dương: Năm 2023 đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối vùng

(PLO)- Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Bình Dương vẫn giữ mức tăng trưởng tốt, phục hồi nhanh sau dịch COVID-19.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-12, HĐND tỉnh Bình Dương khóa X tổ chức kỳ họp thứ 8 đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2022 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2023.

HĐND tỉnh Bình Dương (khóa X) tổ chức kỳ họp thứ 8 trong hai ngày. Ảnh: PC

HĐND tỉnh Bình Dương (khóa X) tổ chức kỳ họp thứ 8 trong hai ngày. Ảnh: PC

Kỳ họp diễn ra trong hai ngày (8 và 9-12), các đại biểu sẽ tập trung vào các nội dung trọng tâm là các giải pháp nhằm phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết tốt việc làm, chăm lo và cải thiện đời sống nhân dân.

HĐND tỉnh Bình Dương sẽ thảo luận, xem xét thông qua các nghị quyết quan trọng như: Quyết định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2023-2025; dự toán ngân sách, kế hoạch đầu tư công 2023; chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030.

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Bình Dương sẽ xem xét ban hành một số chế độ, chính sách đặc thù như hỗ trợ tình nguyện viên hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn.

Thu hút trên 3 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài.

Tại kỳ họp ông Võ Văn Minh- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã báo cáo tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023.

Ông Võ Văn Minh-Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương trình bày báo cáo. Ảnh: PC

Ông Võ Văn Minh-Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương trình bày báo cáo. Ảnh: PC

Theo đó, năm 2022 mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng kinh tế (GRDP) có đà phục hồi tăng trưởng rõ rệt. Cụ thể, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tính tăng 8,01% (tăng 3,2 %), GRDP bình quân đầu người đạt 166 triệu đồng.

Thu ngân sách đạt gần 62 000 tỉ đồng, đạt 103% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó thu nội địa trên 43 000 tỉ đồng, thu thuế xuất nhập khẩu trên 18 000 tỉ đồng. Tổng chi cân đối ngân sách thực hiện trên 20 000 tỉ đồng, đạt 100% dự toán.

Đáng chú ý, đầu tư trong nước tính đến 30-11, thu hút gần 97 000 tỉ đồng vốn đăng ký kinh doanh (tăng hơn 28%). Đến nay, đã có trên 59 000 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đầu tư là 627 ngàn tỉ đồng. Đầu tư nước ngoài tính đến 30-11, đã thu hút được trên 3 tỉ USD (tăng 48%). Đến nay, toàn tỉnh có 4.082 dự án với vốn đăng ký 39,7 tỉ USD.

Theo ông Minh, Bình Dương đang phối hợp với các địa phương chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm liên kết vùng như: Vành đai 3, vành đai 4, Cao tốc TP HCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, mở rộng Quốc lộ 13, Mỹ Phước-Tân Vạn…

Tuy nhiên, theo báo cáo này về phần đầu tư công, đến ngày 30-11 Bình Dương đã giải ngân gần 5000 tỉ đồng, chỉ đạt 41 % kế hoạch, đạt 46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Đặc biệt, trong năm 2022 Bình Dương đã tổ chức được nhiều hoạt động lớn, mang tầm quốc gia, quốc tế.

Cụ thể, tổ chức 23 sự kiện khoa học công nghệ, trong đó có 9 sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế như: Hội thảo Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ; Hội thảo nông nghiệp công nghệ cao, Ngày hội khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, Bình Dương được vinh danh TP công nghiệp 4.0 Việt nam và lần thứ 2 Top 7 chiến lược phát triển thành phố thông minh của ICF.

Tập trung các dự án trọng điểm kết nối vùng

Tại kỳ họp này, UBND tỉnh Bình Dương đã đề ra phương hướng cho năm 2023, trọng tâm là triển khai hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi khảo sát các công trình trọng điểm kết nối vùng tại Bình Dương. Ảnh: BD

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi khảo sát các công trình trọng điểm kết nối vùng tại Bình Dương. Ảnh: BD

Bên cạnh đó, quyết tâm thực hiện hiệu quả Nghị quyết, các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI. Từ đó, thúc đẩy nhanh hơn nữa, tiến trình phục hồi kinh tế-xã hội.

Cụ thể, UBND tỉnh Bình Dương đã đề ra 11 nhóm giải pháp, trong đó, quan tâm đặc biệt đến những nhiệm vụ như: Thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; Thúc đẩy tăng trưởng trên nền tảng chuyển đổi số, kinh tế số, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, các bệnh truyền nhiễm và các dịch bệnh mới phát sinh; Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ.

Đặc biệt, tập trung mọi nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị, dịch vụ làm tiền đề xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại...

Đáng chú ý, trong năm 2023 Bình Dương đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung đẩy nhanh tiến độ một số công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm như: Khu công nghiệp VSIP II, dự án nhà ở xã hội, cầu Bạch Đằng, Bệnh viện tuyến cuối 2000 giường, đường Vành đai 3,, vành đai 4, Cao tốc TP HCM-Thủ Dầu Một- Chơn Thành, mở rộng quốc lộ 13…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm