Trong bối cảnh tình hình kinh tế đang khó khăn, tại Bình Dương số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn nhiều, công nhân bị ngừng việc, giảm giờ làm làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, khiến nhiều đại biểu hội đồng nhân dân trăn trở.
Mới đây, ngày 9-12 trong kỳ họp Hội đồng nhân tỉnh Bình Dương (khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026), các đại biểu đã có nhiều ý kiến xoay quanh việc tăng cường nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, thu nhập và hỗ trợ cho cho người lao động.
Trăn trở với khó khăn của doanh nghiệp và người lao động
Theo ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương (đại biểu Hội động nhân dân tỉnh Bình Dương), do các yếu tố bất ổn về kinh tế thế giới vẫn còn nên theo dự báo tình hình tăng trưởng kinh tế của thế giới năm 2023 tiếp tục chậm lại.
Tại kỳ họp, nhiều đại biểu trăn trở với những khó khăn của doanh nghiệp và người lao động. Ảnh: PC |
Ông Trọng kiến nghị giải pháp tiếp tục tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp. Phải xác định nhiệm vụ đồng hành, giải quyết khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển lành mạnh.
Bên cạnh đó, muốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thì công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp phải thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, cần chú trọng cho doanh nghiệp nhận rõ vi phạm và có lộ trình khắc phục vi phạm, không áp dụng biện pháp xử phạt đối với những vi phạm lần đầu, vi phạm không nghiêm trọng.
Đồng thời, Bình Dương cần kiến nghị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát lãi suất cho vay hợp lý, tiếp tục có chính sách giãn nợ cho doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023, giúp doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ khi dòng tiền xuất khẩu, bán hàng bị chậm lại.
Đồng quan điểm ông Trọng, ông Huỳnh Trần Phi Long, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Bình Dương (đại biểu Hội động nhân dân tỉnh Bình Dương), nhận định do tình hình kinh tế khó khăn chung của thế giới khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn do lượng hàng tồn kho tăng, thiếu đơn hàng.
Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay chính thống và dài hạn chiếm số lượng rất nhỏ. Việc hạn chế room tín dụng dẫn đến các doanh nghiệp càng khó khăn hơn trong tiếp cận nguồn vốn.
Ngoài ra, các đại biểu hội đồng nhân dân có mặt tại kỳ họp cũng mong muốn UBND tỉnh Bình Dương cùng chính quyền các địa phương đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ công nhân bị ảnh hưởng hiện nay.
Đặc biệt, các đại biểu đề nghị Sở Công thương tỉnh Bình Dương đẩy mạnh hơn nữa các hội nghị kết nối cung cầu, triển lãm trong và ngoài tỉnh Bình Dương. Triển khai hiệu quả các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp.
Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động
Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, năm 2022 mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng kinh tế (GRDP) có đà phục hồi tăng trưởng rõ rệt. Cụ thể, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tính tăng 8,01% (tăng 3,2 %), GRDP bình quân đầu người đạt 166 triệu đồng.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Ảnh: PC |
Thu ngân sách đạt gần 62.000 tỉ đồng, đạt 103% dự toán HĐND tỉnh giao. Đáng chú ý, đầu tư trong nước tính đến 30-11, thu hút gần 97 ngàn tỉ đồng vốn đăng ký kinh doanh (tăng hơn 28%). Đầu tư nước ngoài tính đến 30-11 đã thu hút được trên 3 tỉ USD (tăng 48%).
Cũng theo ông Minh, với những nỗ lực vượt qua khó khăn của UBND tỉnh Bình Dương thì công tác phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19 đã đạt được nhiều khả quan, kinh tế tăng trưởng khá.
Đạt được điều đó là nhờ UBND tỉnh Bình Dương đã quyết liệt triển khai thực hiện kịp thời các chỉ đạo của Trung ương trong công tác phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, phát huy tinh thần tiên phong, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, mạnh mẽ đổi mới của các cấp, các ngành và sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh và nhân dân.
Tuy nhiên, do tình hình chung nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn, tình hình công nhân bị ngưng việc, giảm làm vẫn đang diễn ra.
Ông Minh nhấn mạnh: “Với tinh thần trách nhiệm cao, UBND tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bình Dương xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của chính quyền tỉnh, xem thành công của doanh nghiệp là thành công của Bình Dương”.
Do vậy, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc hoạt động của Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp. Tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, đại diện tổ chức công đoàn. Chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, nghiên cứu, có nhiều giải pháp tích cực, cụ thể của từng khâu.
Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương (phải) tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: ĐT |
Theo bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương, đơn vị đã chỉ đạo các cấp công đoàn phải chủ động nắm đầy đủ, kịp thời tình hình khó khăn, thiếu, cắt giảm đơn hàng của các doanh nghiệp, số lượng người lao động bị giảm thời giờ làm việc, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động… để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Bên cạnh đó, các cấp công đoàn đang dồn lực chăm lo Tết Quý Mão 2023 cho người lao động với tổng kinh phí ước tính hơn 300 tỉ đồng.
Theo đó, Liên đoàn lao động sẽ tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà hơn 80.000 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng, tổng trị giá trên 41 tỉ đồng cho người lao động gặp khó khăn.
Bà Loan cho biết thêm, đơn vị sẽ cùng Sở Lao động -Thương binh và Xã hội đã đề xuất UBND tỉnh chấp thuận hỗ trợ 46.500 suất quà tết, mỗi suất trị giá 500.000 đồng cho công nhân lao động xa quê, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Đáng chú ý, phía liên đoàn tổ chức “Chuyến tàu xuân nghĩa tình” tặng 5.000 vé tàu khứ hồi cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh miền Trung, miền Bắc về quê đón tết và quay trở lại Bình Dương làm việc sau tết với tổng kinh phí ước tính 20 tỉ đồng.
Hàng trăm ngàn công nhân gặp khó khăn vì cắt giảm giờ làm
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, đến ngày 8-12, Bình Dương có 37.000 lao động bị tạm hoãn hợp đồng và hơn 250.000 lao động bị cắt giảm giờ làm.
Ông Phạm Văn Tuyên (đứng) - Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương. Ảnh: LA |
Nguyên nhân là do ảnh hưởng của thị trường thế giới nên đơn hàng giảm, nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất, hoạt động cầm chừng với công suất giảm từ 30-50% so với trước, cắt giảm giờ làm của công nhân.
Một số công nhân gặp khó khăn đã về quê trước Tết, song vẫn nằm trong danh sách và kế hoạch của doanh nghiệp chờ việc, khi nhà máy có đơn hàng sẽ mời trở lại làm việc như trong đợt dịch COVID-19 năm 2021.
Một số doanh nghiệp tuy bị giảm đơn hàng nhưng vẫn nỗ lực giữ chân lao động thông qua việc hỗ trợ lương, phụ cấp cho công nhân trong khi chờ việc.
Được biết, các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều là sản xuất giày da, gia công đồ gỗ xuất khẩu.