Ban Chỉ đạo về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc và phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội tỉnh Bình Thuận vừa ký báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người 6 tháng đầu năm 2024.
Theo đó, tình hình tội phạm mua bán người và các hành vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động mua bán người trên địa bàn Bình Thuận tiềm ẩn những nguy cơ, điều kiện mà tội phạm mua bán người có thể lợi dụng.
Tình trạng các đối tượng môi giới việc làm tại Campuchia, Myanmar thông qua mạng xã hội Facebook , Zalo, Telagram… làm quen, môi giới việc làm tại các nước trên với mức lương cao rồi đưa vào các cơ sở cưỡng bức lao động, mại dâm vẫn còn diễn ra.
Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã thường xuyên phối hợp tổ chức các biện pháp phòng ngừa và tập trung quản lý các đối tượng có tiền án, tiền sự, có biểu hiện nghi vấn, có điều kiện, khả năng hoạt động phạm tội.
Cạnh đó, thường xuyên phối hợp với Sở Tư pháp nắm chắc số phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, trẻ em làm con nuôi nước ngoài để tìm ra số phụ nữ, trẻ em là nạn nhân hoặc nghi bị mua bán phục vụ công tác phòng ngừa chung.
Chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ tập trung vào các đối tượng có phương thức, thủ đoạn mời gọi, dụ dỗ, hứa hẹn …đưa ra nước ngoài làm việc với mức lương cao, đi du lịch, lấy chồng nước ngoài…. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc chấp hành quy định về quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT, nhất là đối với cơ sở lưu trú ( khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ), quán karaoke, massage… để chủ động phát hiện, ngăn chặn tội phạm mua bán người và các hành vi có liên quan đến mua bán người.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng số tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố đã tiếp nhận, xử lý: 2 tin/4 đối tượng; trong đó 1 tin/1 đối tượng từ năm 2023 chuyển qua (hiện đã tạm đình chỉ) và 1 tin/3 đối tượng phát hiện trong kỳ...
Ban Chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị chức năng tham mưu và tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc kế hoạch phòng, chống mua bán người; chỉ đạo Công an tỉnh triển khai đến lực lượng Cảnh sát hình sự và Công an cơ sở, thực hiện có hiệu quả các biện pháp công tác nắm tình hình địa bàn, công tác nghiệp vụ, khảo sát và liên tục cập nhật thông tin mới về tình hình tội phạm mua bán người.
Theo Ban Chỉ đạo, cần phải chú trọng đẩy mạnh triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống mua bán người trong nội địa; thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân.
Tiếp tục tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, quản lý đối tượng; thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình, di biến động của đối tượng có điều kiện khả năng, biểu hiện nghi vấn hoạt động mua bán người để kịp thời nhận diện, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm mua bán người và can thiệp giải cứu nạn nhân bị mua bán.
“Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giải đáp pháp luật về mua bán người, thông báo đến người dân để cảnh giác đối với các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người và các loại tội phạm hình sự khác; đồng thời, cung cấp, hướng dẫn kỹ năng xử lý tình huống khi bị nghi vấn là nạn nhân của tội phạm mua bán người. Kịp thời ngăn chặn, chủ động phát hiện, tiếp nhận, tập trung xác minh, điều tra làm rõ ngay các vụ việc, tin báo liên quan đến mua bán người xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh”, báo cáo kết luận.