Bộ Công an chỉ rõ nguyên nhân vụ án Việt Á, kiến nghị xử lý doanh nghiệp sai phạm

(PLO)- Trong Kết luận điều tra vụ án Việt Á, Bộ Công an chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội và đưa ra nhiều kiến nghị.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa có kết luận điều tra vụ kit test Việt Á, đề nghị truy tố nhiều cựu quan chức, cán bộ và cá nhân liên quan, trong đó có cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

Buông lỏng quản lý

CQĐT chỉ ra tại Bộ KH&CN, có sự buông lỏng, thiếu kiểm tra giám sát trong việc thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học. Việc này xảy ra trong nhiều khâu như phê duyệt nhiệm vụ, phê duyệt tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm, đơn vị phối hợp; kinh phí, theo dõi sử dụng và thanh toán kinh phí; quản lý thực hiện Đề tài, xử lý kết quả thực hiện Đề tài...

Sản phẩm của Việt Á.
Sản phẩm của Việt Á.

Nội dung thuyết minh Đề tài nghiên cứu khoa học có nội dung không đầy đủ, không có thông tin về quyền, nghĩa vụ của Bộ KH&CN, Học viện Quân y, Công ty Việt Á; phương pháp phối hợp; phương pháp chuyển giao kết quả nghiên cứu, quyền sở hữu trí tuệ.

Bộ Y tế thiếu kiểm tra, giám sát đối với công tác quản lý Nhà nước về sinh phẩm y tế, hiệp thương giá, kiểm tra giá hiệp thương; không quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cá nhân trong hiệp thương giá, thời hạn ban hành kết luận kiểm tra giá.

Do việc buông lỏng, thiếu kiểm tra giám sát tại Bộ KH&CN và Bộ Y tế nêu trên dẫn đến Phan Quốc Việt, Chủ tịch kiểm TGĐ Công ty Việt Á lợi dụng, thông đồng móc ngoặc với lãnh đạo, cán bộ để Công ty này được tham gia nghiên cứu Đề tài, sử dụng kết quả nghiên cứu lập hồ sơ đăng ký, được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, chính thức Test xét nghiệm.

Từ đó, biến Test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước do Bộ KH&CN quản lý thành tài sản thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, trái quy định pháp luật.

Khi Công ty Việt Á sản xuất thương mại, bản Test xét nghiệm cho Bộ Y tế, Phan Quốc Việt đã nâng khống cơ cấu đơn giá nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định giá 470.000 đồng/Test không có căn cứ.

Bộ Y tế kiểm tra giá hiệp thương, xác định Công ty Việt Á thay đổi nguyên vật liệu sản xuất so với hồ sơ đăng ký lưu hành nhưng lại không ra kết luận kiểm tra, không kiến nghị biện pháp xử lý. Do đó, Công ty Việt Á tiếp tục sử dụng giá hiệp thương vốn được nâng khống, tạo mặt bằng giá để bán cho các đơn vị, địa phương, thu lời bất chính, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Tại các đơn vị, địa phương để xảy ra sai phạm trong quá trình Công ty Việt Á tiêu thụ Test xét nghiệm, vật tư, sinh phẩm y tế, CQĐT nhận thấy các đơn vị chưa kịp thời phân bố dự toán thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế còn hạn chế, nhất là trong các trường hợp thiên tai, ngân sách thực hiện; trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ về đấu thầu, mua sắm thiết bị vật tư sinh phẩm y tế còn hạn chế, nhất là trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, địch họa.

Cho đến ngày 21-12-2021, Bộ Y tế (khi đó do ông Nguyễn Thanh Long làm bộ trưởng) vẫn khẳng định "Kit test Việt Á cấp phép đúng quy định". Ngày 6-6-2022, ông Long bị khai trừ Đảng; ngày 7-6-2022 ông bị bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội, sau đó bị khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh: PLO

Cho đến ngày 21-12-2021, Bộ Y tế (khi đó do ông Nguyễn Thanh Long làm bộ trưởng) vẫn khẳng định "Kit test Việt Á cấp phép đúng quy định". Ngày 6-6-2022, ông Long bị khai trừ Đảng; ngày 7-6-2022 ông bị bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội, sau đó bị khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh: PLO

Kiến nghị xử lý các doanh nghiệp có sai phạm

Từ những nguyên nhân trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kiến nghị Bộ KH&CN và Bộ Y tế cần nâng cao năng lực kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, kiểm soát hoạt động của các cơ quan chuyên môn về quản lý nhiệm vụ KH&CN, quản lý sinh phẩm y tế, đảm bảo khách quan, minh bạch và đúng pháp luật.

Bộ KH&CN cần rà soát cơ cấu tổ chức và các văn bản pháp luật liên quan, chủ động hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi theo hướng có cơ quan chuyên trách quản lý nhiệm vụ KH&CN; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi sai phạm.

CQĐT kiến nghị Bộ Y tế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi sai phạm trong công tác cấp số đăng ký lưu hành sinh phẩm y tế; phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan có biện pháp quản lý giả đối với các vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư và các Bộ, ngành có liên quan chủ động hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền hướng dẫn việc thực hiện chỉ định thầu rút gọn trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, địch họa... đặc biệt là đối với các gói thầu có giá trị lớn, chưa được phân bổ dự toán ngân sách thực hiện; hướng dẫn việc xác định giá trị hợp đồng, thương thảo hợp đồng.

Cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh

Cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh

CQĐT đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị, cơ sở y tế công lập trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thiết bị, vật tư y tế.

Đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ mua sắm, đấu thầu cho cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế, phòng ngừa các vi phạm, tội phạm. Đồng thời, xem xét xử lý theo thẩm quyền đối với các Công ty có sai phạm đã kết luận trong vụ án (cảnh cáo, phạt tiền, cấm tham gia hoạt động đấu thầu...).

Đối với các Công ty thẩm định có sai phạm đã kết luận trong vụ án, CQĐT kiến nghị Bộ Tài chính xem xét xử lý hành chính (đỉnh chỉ kinh doanh, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá...).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm