Bộ GD&ĐT nói về vụ xúc phạm cô giáo ở Tuyên Quang

(PLO)- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng giáo dục học sinh không chỉ trong nhà trường, trong gia đình mà là trách nhiệm của toàn xã hội.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 6-12, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, báo chí nêu việc một nhóm học sinh có hành vi ép, nhốt và xúc phạm cô giáo ở Tuyên Quang. Đồng thời đề nghị lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết quan điểm và có giải pháp thế nào để tránh trường hợp tương tự xảy ra.

“Không thể chấp nhận được”

“Việc xảy ra là rất nghiêm trọng, không thể chấp nhận được” - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nói tại họp báo. Ông Sơn cho hay ngay khi nắm thông tin bộ này đã có văn bản gửi tỉnh Tuyên Quang, yêu cầu tỉnh chỉ đạo xác minh, làm rất rõ sự việc.

“Sự việc chúng ta đều bức xúc nhưng trước tiên phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm các bên liên quan một cách khách quan, thấu đáo. Trên cơ sở đó có biện pháp để xử lý nghiêm, những gì là trách nhiệm của giáo viên (GV), nhà trường, lãnh đạo nhà trường; những gì liên quan đến học sinh, trách nhiệm của phụ huynh” - ông Sơn bày tỏ quan điểm.

6-p5-bai-1h-viethoa.jpg
Đại diện các bộ, ngành tham gia họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11-2023. Ảnh: NHẬT BẮC

Ông cho rằng cần xem xét tổng thể để có biện pháp xử lý vướng mắc, cần thiết phải chấn chỉnh và rút kinh nghiệm sâu sắc việc này. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng lưu ý bạo lực học đường là vấn đề phải quan tâm. Bộ cũng đã có biện pháp xử lý, liên quan đến giáo dục và quản lý. “Biện pháp kỷ luật là đối với một vụ việc cụ thể nhưng về lâu dài, biện pháp căn cơ chính là giáo dục và quản lý” - ông Sơn nói.

Bên cạnh đó, ông Sơn lưu ý phải xem lại đội ngũ GV. Theo ông, bộ luôn bảo vệ các nhà giáo nhưng cũng phải nhìn lại các nhà giáo và đội ngũ GV, từ đào tạo, bồi dưỡng đến quá trình sử dụng, tuyển dụng. Đánh giá cả về chuyên môn và phẩm chất, kỹ năng xử lý của GV môn học và GV chủ nhiệm.

Đại diện Bộ GD&ĐT cũng nhắc tới việc đánh giá hiệu quả của công tác dạy và học. Liên quan đến tăng cường giáo dục đạo đức, kỷ luật. Bộ đều có kế hoạch, có văn bản hằng năm nhưng cần đánh giá hiệu quả của từng trường, từng lớp như thế nào.

“Chúng tôi cho rằng để một vụ việc xảy ra như thế dẫn đến rất nhiều hậu quả nên phải ngăn chặn, phát hiện sớm những nguyên nhân sâu xa trong quan hệ thầy trò, trong tư tưởng đạo đức, diễn biến tâm lý… để có thể hạn chế ngay từ đầu” - ông Sơn nói.

Ngoài ra, ông Sơn cho rằng bạo lực xảy ra trong trường nhưng cũng là hiện tượng xã hội. Giáo dục học sinh không chỉ trong nhà trường, trong gia đình mà là trách nhiệm của toàn xã hội.

Ông Sơn cho biết thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, các cơ sở đào tạo làm tốt việc đào tạo đội ngũ GV, các chương trình giảng dạy và đặc biệt là tư tưởng đạo đức, quản lý nhà nước và việc phối hợp với phụ huynh.

Đề xuất về dạy thêm, học thêm

Cũng tại cuộc họp báo, trả lời về ý tưởng đưa học thêm, dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định đề xuất này không mới. Trước đây, Luật Đầu tư quy định đây là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 17 quy định việc này. Sau đó, Luật Đầu tư bỏ dạy thêm khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên bộ đã bỏ một số điều của thông tư này. Vì vậy, việc dạy thêm, học thêm không thể cấm được.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT thừa nhận thực tế nảy sinh một số vấn đề trong công tác quản lý đối với việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường tại các địa phương. Do đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục đề xuất đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bộ đã hai lần có công văn gửi Bộ KH&ĐT đề xuất nội dung này.•

Thủ tục cấp giấy chuyển tuyến tình trạng gây phiền hà cho người bệnh

Trả lời PV về chuyển tuyến khám chữa bệnh (KCB) BHYT và các giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thừa nhận có phát sinh một số vướng mắc bất cập như quy định đăng ký KCB ban đầu còn nặng về hành chính; thủ tục chuyển tuyến, cấp giấy chuyển tuyến còn có tình trạng gây phiền hà cho người bệnh. Thậm chí có trường hợp phát sinh tiêu cực “xin-cho”, giữ bệnh nhân lại gây bức xúc trong dư luận.

Việc thông tuyến KCB cũng tạo một số vướng mắc liên quan đến tuyến, vượt tuyến, chuyển tuyến, gây ra tình trạng quá tải trở lại ở tuyến trên và giảm tỉ lệ KCB ở y tế cơ sở.

Để đảm bảo chất lượng phục vụ người bệnh cao nhất, Bộ Y tế đã và đang tăng cường chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực và mở rộng phạm vi chi trả BHYT cho tuyến dưới.

Đồng thời áp dụng hình thức giấy chuyển tuyến điện tử để việc cấp giấy chuyển tuyến được thuận tiện, nhanh chóng; cải thiện quy trình cấp giấy chuyển tuyến có thời hạn một năm cho một số bệnh mạn tính; cân đối cải cách các quy định chuyển tuyến…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm