Theo Bộ GTVT, năm 2024, đơn vị được giao khoảng 75.481 tỉ đồng, trong đó vốn được tập trung cho các công trình trọng điểm và đến nay đã giải ngân được khoảng 60.200 tỉ đồng, đạt 80% kế hoạch và phấn đấu hết niên độ tài chính đạt 95% kế hoạch.
Nhiều dự án giao thông vượt tiến độ
Với tiến độ giải ngân như vậy, đến nay, các dự án giao thông trọng điểm cơ bản đáp ứng được kế hoạch đề ra. Đáng chú ý một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến hoàn thành vượt tiến độ từ 3 đến 6 tháng.
Chẳng hạn dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Bùng - Vạn Ninh, dự kiến rút ngắn tiến độ 5 tháng; Vạn Ninh - Cam Lộ, dự kiến rút ngắn 6 tháng; Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, dự kiến rút ngắn tiến độ tới 9 tháng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng GTVT cũng nhận định năm vừa qua một số dự án giao thông trọng điểm chưa được bàn giao 100% mặt bằng dẫn đến việc thi công chậm. Dự án thành phần 4 sân bay Long Thành chưa đáp ứng tiến độ được giao. Song song đó, nguồn cung cấp cát khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuy được giải quyết nhưng chưa triệt để, công suất khai thác vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu…
Hoàn thành 3.000 km đường cao tốc
Đúc rút bài học kinh nghiệm một năm qua, năm 2025, ông Trần Hồng Minh cho biết ngành tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn khi số vốn dự kiến giao cho ngành là 87.000 tỉ đồng. Song song đó là nhiệm vụ được Đảng giao phải hoàn thành 3.000 km đường cao tốc.
Theo đó, bộ sẽ đưa vào khai thác các dự án đường bộ cao tốc như: Bãi Vọt - Hàm Nghi - Vũng Áng - Bùng - Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn - Quy Nhơn - Chí Thạnh - Vân Phong - Nha Trang, Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Bến Lức - Long Thành, Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, Hòa Liên - Túy Loan, Biên Hoà - Vũng Tàu, Vành đai 3 TP.HCM, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Tuyên Quang - Hà Giang, Cao Lãnh - An Hữu.
Bộ GTVT cũng đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư để khởi công các dự án như: mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, TP.HCM - Long Thành, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan; cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1… ngay trong quý I và II - 2025.
Về đường sắt, Bộ GTVT sẽ tập trung triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Trong đó, tập trung xây dựng Nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết của Quốc hội và các nghị định hướng dẫn các cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua.
Triển khai quy hoạch chi tiết hai tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng; Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái. Nghiên cứu các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia: TP.HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm.
Với dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Bộ GTVT dự kiến hoàn thiện các thủ tục để khởi công vào cuối năm 2025. Triển khai thực hiện các dự án đang dừng, chậm tiến độ để phòng, chống lãng phí, đặc biệt là dự án Hà Nội - Yên Viên - Phả Lại - Cái Lân; dự án hiện đại hóa Trung tâm điều hành vận tải đường sắt (OCC).
Về hàng không, Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành dự án sân bay Long Thành trong năm 2025, trong đó có dự án đường băng số 2 vừa được Quốc hội cho phép đầu tư.
Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ trưởng Trần Hồng Minh khẳng định năm tới ngành tiếp tục gắn trách nhiệm người đứng đầu, đưa nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2025 với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc bộ.
Số người bị thương do tai nạn giao thông tăng mạnh
Bộ GTVT cho biết năm 2024 toàn quốc xảy ra 23.837 vụ tai nạn giao thông, làm chết 10.996 người, bị thương 17.705. So với năm 2023, tai nạn giao thông tăng 855 vụ (3,72%), giảm 889 người chết (-7,48%), tăng 1.578 người bị thương (tăng 9,78%).