Bộ máy UBND huyện và xã trên 50.000 dân ở TP.HCM sắp tới có gì mới?

(PLO)- Nghị quyết mới về phát triển TP.HCM cho phép UBND huyện thuộc TP có tối đa ba Phó chủ tịch; UBND phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên có tối đa ba Phó chủ tịch.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 24-6, Quốc hội (QH) đã chính thức thông qua Nghị quyết mới về thí điểm cơ chế đặc thù cho phát triển TP.HCM.

Nghị quyết có 12 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2023.

Một điểm đáng chú ý tại nghị quyết vừa được thông qua là về tổ chức bộ máy của TP. Theo đó, nghị quyết cho phép UBND huyện thuộc TP có tối đa ba Phó chủ tịch; UBND phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên có tối đa ba Phó chủ tịch.

Về vấn đề này, báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý trước đó, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH cho biết nhiều ý kiến ĐB nhất trí với việc TP được tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND huyện, phường, xã, thị trấn như các quy định trong dự thảo Nghị quyết để giải quyết những khó khăn hiện nay do thiếu cán bộ lãnh đạo quản lý.

TP.HCM được quyết chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

TP.HCM được quyết chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Tuy nhiên, cũng theo UBTVQH, một số ý kiến đề nghị cân nhắc vì bộ máy Nhà nước hiện nay đang cần thực hiện tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với việc giảm số lượng cấp phó. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định “UBND quận thuộc TP.HCM có không quá ba Phó Chủ tịch”. Có ý kiến đề nghị cân nhắc kết hợp giữa yếu tố về dân số và phân loại đơn vị hành chính.

UBTVQH cho biết theo phân loại đơn vị hành chính cấp huyện, TP.HCM còn ba huyện (Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè) là huyện loại 2, được bố trí hai Phó Chủ tịch UBND huyện và 48 phường, xã, thị trấn có dân số từ 50.000 dân trở lên là phường, xã, thị trấn loại 1, được bố trí hai Phó UBND phường, xã, thị trấn.

Mặc dù vậy, trong thực tế, quản lý nhà nước tại ba huyện và 48 phường, xã, thị trấn, số lượng hai Phó Chủ tịch chưa đảm bảo được nguồn nhân lực lãnh đạo, điều hành, tham mưu giúp việc cho Chủ tịch UBND huyện.

Do đó, để đảm bảo nguồn lực lãnh đạo quản lý, UBTVQH xin QH cho phép quy định tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND huyện và Phó Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn có số dân từ 50.000 dân trở lên để đảm bảo nguồn lực lãnh đạo quản lý để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Nghị quyết mới cũng cho phép TP.HCM được thành lập Sở An toàn thực phẩm thuộc UBND TP. Chức năng của Sở này là quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm…

Nghị quyết cũng cho phép HĐND TP căn cứ quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn, quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tại các xã, phường, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại các xã, phường, thị trấn, bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy.

Đồng thời, HĐND TP được quyết định bố trí ngân sách TP để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn, người lao động thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản.

Về bộ máy của TP Thủ Đức, Nghị quyết vừa được QH thông qua đã trao thẩm quyền cho UBND TP Thủ Đức quyết định phê duyệt dự án, chọn nhà đầu tư với các dự án nhóm B và nhóm C đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

HĐND TP Thủ Đức có tối đa hai phó chủ tịch, tám đại biểu chuyên trách. UBND TP Thủ Đức tối đa bốn phó chủ tịch. TP Thủ Đức cũng được lập ban đô thị thuộc HĐND.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm