Tuần trước, Quốc hội thảo luận về đề xuất của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình liên quan đến Nghị quyết 81/2014 của Quốc hội khóa XIII. Tuy có ít ý kiến thảo luận, nhưng vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bình thường của TAND Tối cao trong những năm tới nếu Nghị quyết nói trên không được sửa.
Nhiều Phó Chánh án TAND cấp tỉnh sẽ… bị loại
ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) mở đầu ý kiến thảo luận bằng cách “nói vui” rằng: “Tôi là đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tổ chức TAND. Tôi sinh năm 1961. Nếu bây giờ bảo bổ nhiệm tôi là Thẩm phán TAND Tối cao, thì khả năng có lẽ được một ít phiếu của Quốc hội. Nhưng nếu bổ nhiệm tôi là Thẩm phán, lãnh đạo TAND Tối cao thì chắc chắn không được phiếu nào, kể cả phiếu của tôi!”.
ĐB Nguyễn Mai Bộ cho rằng với quy định của Luật Tổ chức TAND 2014 thì nguồn bổ nhiệm lãnh đạo TAND Tối cao sẽ thiếu
Theo ĐB Bộ, khoản 1 Điều 69 Luật Tổ chức TAND 2014, thì nguồn bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao gồm: thẩm phán cấp cao đang công tác tại 3 TAND Cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM và thẩm phán cấp cao đang là lãnh đạo, cụ thể là Chánh án TAND cấp tỉnh. Tuy vậy, nguồn bổ nhiệm lãnh đạo TAND Tối cao, cụ thể là chức danh Phó Chánh án TAND Tối cao thì sẽ chỉ là một số ít trong số các thẩm phán đó.
“Cụ thể, bao gồm có 3 Chánh án TAND Cấp cao ở 3 tòa và thẩm phán cấp cao là Chánh án TAND cấp tỉnh”, ĐB Bộ nói.
Từ đó, ĐB Bộ thấy cần thiết phải sửa Nghị quyết 81 nói trên. Bởi nếu không sửa thì nhiều Phó chánh án TAND cấp tỉnh có kinh nghiệm sẽ bị loại ra khỏi nguồn bổ nhiệm do chưa đủ thâm niên 5 năm làm thẩm phán cấp cao. Trong khi đó, vẫn theo ĐB Bộ, có những Chánh án TAND cấp tỉnh lại kinh nghiệm không nhiều mà lại trở thành nguồn làm lãnh đạo TAND Tối cao.
“Rõ ràng chất lượng cán bộ chúng ta sẽ không đạt được”, ĐB Bộ nói.
ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) tuy đồng ý sửa Nghị quyết 81 nhưng cho rằng những quy định về điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm các chức danh trong hệ thống tư pháp mà Quốc hội khóa XIII thông qua mang tính khả thi rất cao và lường tất cả các yếu tố liên quan đến thực tiễn diễn ra. “Việc sửa đổi Nghị quyết 81 không phải tồn tại do Luật Tổ chức tòa án mà đây là do quá trình tổ chức thực hiện luật”, ĐB Hồng nói.
Lưu ý rằng khoản 2 Điều 69 và thực tế Quốc hội cũng phê chuẩn bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao từ nguồn ngoài tòa án, ĐB Hồng nói: “Kế hoạch, quy hoạch đối với công tác nhân sự của ngành tòa án cần phải có nghiên cứu lại. Phải chăng chúng ta đang khép kín công tác cán bộ trong cơ quan này?”.
Không cần kéo dài Nghị quyết này?
ĐB Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đồng tình sửa Nghị quyết 81/2014 và đề nghị: “Theo tôi không cần kéo dài nghị quyết này, chỉ có như vậy mới tạo điều kiện TAND Tối cao có điều kiện thuận lợi để lựa chọn người có đủ đức, đủ tài từ những thẩm phán cấp cao trình Quốc hội phê chuẩn làm Thẩm phán TAND Tối cao”.
ĐB Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) thì lại cho rằng: quy định bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao hiện nay khá “khắt khe”.
ĐB Hữu phân tích: “Để được làm thẩm phán phải mất 5 năm công tác, đi học 6 tháng. Sau đó trải qua kỳ thi tuyển chọn thẩm phán quốc gia, rồi trình với Chủ tịch nước, thời gian đó ít nhất phải 6-7 năm. Giữ 5 năm mới được lên trung cấp, giữ 5 năm tiếp được lên cấp cao. Thử hỏi được bao nhiêu người tuần tự lên được như vậy? Trong quá trình làm việc, đâu có phải sẽ suôn sẻ, sẽ còn án hủy, án sửa v.v... có khi bị kéo dài.
Cho nên, để lên đến thẩm phán cấp cao tôi cho rằng ít nhất phải 20 năm cộng với hai mươi mấy năm tuổi đời thì hơn 40 tuổi lên được thẩm phán cấp cao là đã quá giỏi rồi. Đây là tôi đang nói đội ngũ siêu việt, chứ còn tuần tự như chúng ta tôi nghĩ rằng rất khó”.
ĐB Nguyễn Duy Hữu nói với các quy định hiện nay thì một người phải "siêu việt" mới có thể thành thẩm phán cấp cao ở độ tuổi hơn 40
ĐB Hữu còn đề nghị Quốc hội thông qua việc sửa Nghị quyết này sớm nhằm “củng cố trước mắt ở Tòa án Quân sự Trung ương và Hội đồng thẩm phán của Tòa án tối cao”. Vì nếu Tòa án Quân sự Trung ương không có Chánh án thì không thể được.
ĐB Nguyễn Đức Sáu (TP.HCM) cũng cho rằng việc sửa Nghị quyết 81/2014 là “cần thiết và cấp bách”. Thực tế hiện nay Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao “đang thiếu điều kiện để bổ sung một chức danh phụ trách Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương” và nếu không sửa Nghị quyết 81 “thì không thể bổ sung thêm một thành viên”, vì Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương đã nghỉ hưu.
“Nếu như thiếu vắng thành viên là Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương tham gia Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của ngành Tòa án, đặc biệt là Tòa án Quân sự”, ĐB Sáu nói.