Bên hành lang QH chiều 13-11, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi nhanh với ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam, về vấn đề này.
. Phóng viên:Nhiều DN than phiền rằng khi họ chậm nộp thuế ngay lập tức bị cơ quan thuế bêu tên trên báo chí nhưng khi hoàn thuế, cơ quan thuế lại chậm chạp?
+ ĐB Cao Sỹ Kiêm: Đây là khuyết điểm cố hữu, không chỉ cơ quan thuế mà còn diễn ra ở các cơ quan nhà nước khác. Theo tôi, ai vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm để bảo đảm công bằng, minh bạch, bất kể đó là DN hay cơ quan quản lý. Nếu không làm như vậy sẽ tạo ra sự trì trệ trong cơ quan nhà nước, gây khó khăn cho DN.
. Vậy trong trường hợp chậm hoàn thuế cho DN, ai là người phải chịu trách nhiệm, thưa ông?
+ Trách nhiệm chính là Bộ Tài chính vì tất cả nguồn thu đều do bộ này quản lý. Để xảy ra chuyện chậm hoàn thuế chứng tỏ sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan nhà nước, cụ thể là Bộ Tài chính và hệ thống cơ quan cấp dưới.
. Nhiều ý kiến cho rằng chậm hoàn thuế là do ngân sách nhà nước đang bị cạn kiệt?
+ Tôi cho rằng tùy từng trường hợp chậm hoàn thuế để phân tích cụ thể trách nhiệm cũng như nguyên nhân. Nếu do chính sách rườm rà và thủ tục giải quyết phức tạp thì cần sửa cơ chế, nếu do điều hành quản lý thì phải xem lại yếu tố con người.
Trong đó xem lại tư cách đạo đức của cán bộ, công chức xử lý vụ việc liệu có tình trạng thiếu trách nhiệm, ăn chia, tiêu cực hay không.
Trong trường hợp phát hiện nguyên nhân do cá nhân dẫn đến sự chây ỳ hoàn thuế cần phải xử lý mạnh tay, đem lại sự công bằng giữa cơ quan quản lý và DN.
. Xin cám ơn ông.