Bộ trưởng Y tế: Dự kiến có 90 triệu liều vaccine COVID-19

Sáng 24-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19. Tham dự có lãnh đạo một số bộ ngành và các địa phương tại các điểm cầu được truyền hình trực tuyến.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã thông tin về việc đàm phán mua vaccine phòng, chống dịch COVID-19. 

Theo đó, nguồn thứ nhất, Bộ Y tế đã đàm phán với chương trình Covax cam kết cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều trong năm 2021. Dự kiến trong tuần này, Covax sẽ thông báo chính thức số lượng vaccine cung cấp cho các quốc gia trên thế giới.

“Bộ Y tế xin thực hiện quy trình rút gọn để sớm có vaccine và đang đàm phán để có đủ 30 triệu liều trong năm 2021” – ông Long nói.

Nguồn cung ứng thứ hai, Bộ Y tế mua 30 triệu liều vaccine của Công ty AstraZeneca, thông qua Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC). Lô đầu tiên gồm 117.600 liều được đưa về hệ thống kho lạnh chuyên dụng của VNVC và AstraZeneca trong sáng nay. Bộ này sẽ trình xin cơ chế đặc biệt để mua với giá đã thoả thuận.

Ngoài ra, nguồn thứ ba, Bộ Y tế đang đàm phán mua vaccine Pfizer của Mỹ, khả năng cung cấp 30 triệu liều trong năm 2021. Tuy nhiên vaccine này đòi hỏi phải bảo quản trong nhiệt độ -75 độ C, tiêm trong vòng năm ngày. Theo Bộ trưởng Long, bài học kinh nghiệm của Mỹ là phải hủy bỏ 50% vaccine này do không đảm bảo điều kiện bảo quản.

Vì vậy, Bộ Y tế xin cho tiếp tục đàm phán và huy động nguồn xã hội hoá để đảm bảo vấn đề tài chính, năng lực, chuyên môn để đẩy nhanh tiến độ cấp vaccine.

Theo tính toán của Bộ Y tế, với các nguồn cung ứng nêu trên, đến cuối năm nay sẽ có khoảng 90 triệu liều. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ cấp phép cho vaccine của Nga với khoảng 60 triệu liều.

“Tuy nhiên Bộ cũng kiểm tra lại vì đơn vị này sản xuất cũng không dồi dào như các nguồn khác” – ông Long nói và cho biết Bộ Y tế cũng thúc đẩy thoả thuận vaccine Ấn Độ và một số nước, công ty tư nhân… để đàm phán mua vaccine cho Việt Nam.

Mặc dù huy động nguồn lực xã hội tham gia cung ứng, sử dụng vaccine để tăng độ bao phủ tiêm vaccine nhưng Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng lưu ý việc mua trực tiếp nhà sản xuất để đảm bảo an toàn chứ không qua trung gian.

“Năm nay, chúng tôi xin đảm bảo không có việc thiếu hụt vaccine. Lần này tiêm số lượng lớn, chúng tôi đang cấp tập chuẩn bị cho kịch bản tiêm. Phương châm là huy động tất cả lực lượng để đẩy nhanh độ bao phủ tiêm vaccine với mục tiêu sớm mở cửa nền kinh tế” – ông Long nói.

Theo ông Long, Bộ Y tế đã trình xin thông qua số lượng mua vaccine, trên cơ sở đàm phán và quan điểm mua rẻ nhất trước, mua đắt sau. “Mua cái có thể bảo quản và sử dụng, tiêm chủng theo thói quen rồi mua cái khó hơn sau” - ông Long nói.

Về kịch bản dự kiến của Bộ Y tế, quý I sẽ có 1,3 triệu liều, quý II là 9,5 triệu liều, quý III là 25,9 triệu liều và quý IV là 51,1 triệu liều.

Như vậy, có khoảng 90 triệu liều trong năm 2021. Còn lại là đang đàm phán 60 triệu của Nga có thể cung ứng trong năm nay và một số nguồn khác.

Về tình hình dịch trong nước, tính đến 16 giờ ngày 23-2, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết trong đợt bùng phát dịch lần thứ ba đã ghi nhận 809 trường hợp mắc COVID-19 tại 13 tỉnh, thành phố.

Trong đó, 10 tỉnh, thành phố nhiều ngày qua không nghi nhận ca mắc mới, như Hòa Bình, Hà Giang Bình Dương, Gia Lai, TP.HCM, Hà Nội.

Tại Hải Dương, tính đến nay đã qua tám ngày giãn cách xã hội toàn tỉnh (từ ngày 16-2), bốn ngày gần đây số ca mắc mới trong ngày đã có dấu hiệu giảm (trung bình chín ca/ngày), hầu hết các trường hợp này là F1 và đã được cách ly tập trung từ trước. Số ca dương tính giảm rõ rệt trong khu cách ly và khu phong tỏa.

Trong năm ổ dịch chính, hai ổ dịch tại Kinh Môn và Nam Sách cơ bản đã được khống chế khi trong mấy ngày vừa qua chỉ rải rác 1 đến 2 ca/ngày. Ổ dịch tại Chí Linh và Cẩm Giàng đã có dấu hiệu khả quan hơn khi ba ngày gần đấy số ca trong ngày đã giảm xuống dưới năm ca. Ổ dịch tại TP Hải Dương cần tiếp tục theo dõi sát khi ghi nhận ca bệnh trong cùng một gia đình được phát hiện thông qua giám sát triệu chứng.

Đối với ổ dịch mới tại xã Kim Liên (huyện Kim Thành), đến nay đã ghi nhận 13 ca mắc mới, xuất phát từ một trường hợp dương tính đầu tiên được phát hiện thông qua rà soát, sàng lọc tại Trung tâm Y tế huyện Kim Thành.

Nhận định chung, ông Long cho biết tình hình dịch đã cơ bản kiểm soát tốt tại 11/13 tỉnh, thành phố, gần hai tuần không ghi nhận ca mắc mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm