Bà Nguyễn Châu Thanh có một cơ sở xay lúa tại huyện Chợ Gạo (Tiền Giang). Năm 2010, bà đăng ký mua điện của Công ty Điện lực Chợ Gạo (gọi tắt là công ty). Công ty gắn đồng hồ điện cho bà Thanh tại trụ điện ngoài trời, cách nơi đặt máy xay lúa khoảng 500 m, có nhân viên khảo sát, lắp đặt và kiểm tra đầy đủ trước khi sản xuất.
Công an kết luận vô can
Cơ sở bà Thanh đang hoạt động bình thường thì tháng 5-2012 có hai nhân viên công ty điện lực đến kiểm tra và lập biên bản vì cho rằng bà Thanh có hành vi trộm cắp điện. Phía công ty cũng ngừng cung cấp điện cho bà Thanh từ đó đến nay vì cho rằng bà vi phạm hợp đồng mua điện.
Biên bản của công ty ghi đồng hồ của bà Thanh: “Bị cắt niêm chì và nắp hộp đấu dây, thay đổi sơ đồ đấu dây sai kỹ thuật, làm điện kế hoạt động đo đếm không đúng thực tế sử dụng điện, gây thiệt hại cho điện lực”.
Tháng 6-2012, công ty điện lực chuyển hồ sơ sang Công an huyện Chợ Gạo yêu cầu xử lý hình sự hành vi trộm cắp điện của bà Thanh. Bốn tháng sau, công an huyện có văn bản trả lời rằng sau khi điều tra không có cơ sở xác định bà Thanh có hành vi trộm cắp điện năng, không vi phạm pháp luật. Công an huyện nói không có căn cứ cho rằng phía bà Thanh đấu nối dây điện sai kỹ thuật, việc công ty có bản chiết tính truy thu và buộc bà Thanh đóng hơn 48 triệu đồng tiền điện là chưa đúng.
Ngoài ra, công an cho rằng trụ điện và đồng hồ ngoài trời là do công ty quản lý, hằng tháng có nhân viên ghi chỉ số mới nhưng không phát hiện dấu hiệu bất thường. Từ đó, không thể khẳng định bà Thanh đấu nối lại dây, trong khi bà vẫn đóng tiền đầy đủ.
Cơ sở xay xát của bà Nguyễn Châu Thanh phải ngưng hoạt động hơn hai năm nay vì bị cắt điện. Ảnh: CTV
Kiện đòi bồi thường, xin lỗi
Đầu năm 2014, bà Thanh khởi kiện yêu cầu công ty điện lực bồi thường thiệt hại do bị cắt điện vô cớ từ khi kiểm tra đến nay (26 tháng), mỗi tháng hơn 45 triệu đồng, bồi thường 30 triệu đồng tiền hao mòn máy xay lúa do không được vận hành. Ngoài ra, bà Thanh còn yêu cầu bồi thường 12 triệu đồng tổn thất về uy tín, danh dự do bị quy là ăn cắp điện và yêu cầu công ty xin lỗi công khai bà tại địa phương và trên báo, đài.
Đồng thời, bà Thanh yêu cầu phía công ty phải cấp điện lại để bà sản xuất, kinh doanh tiếp. Theo bà, việc cơ quan điều tra công an huyện có kết luận không xác định được bà có trộm cắp điện đồng nghĩa với việc công ty ngưng cung cấp điện cho bà trái với hợp đồng mà hai bên ký kết. Hậu quả mà bà phải gánh chịu là rất lớn.
Ngày 9-7, TAND huyện Chợ Gạo xử sơ thẩm và tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Thanh.
Theo đó, tòa căn cứ vào kết luận giám định của Phân viện Khoa học hình sự - Bộ Công an (do tòa trưng cầu) để nhận định điện kế nhà bà Thanh có tổn thất điện năng. Riêng về dấu vết đường vân để lại trên điện kế thì kết luận cho rằng chưa phát hiện được của ai. Tòa nhận định dựa vào kết luận này thì việc thiệt hại về số lượng điện là do các cơ quan chức năng của huyện không thể giám định được chứ không phải phía công ty không có thiệt hại về điện. Vì thế việc công ty điện lực ngưng cung cấp điện cho bà Thanh là đúng theo hợp đồng, đồng nghĩa với việc họ không có lỗi và không phải bồi thường.
Bà Thanh kháng cáo toàn bộ bản án trên vì cho rằng tòa nhận định như vậy là gián tiếp khẳng định bà có hành vi trộm cắp điện, điều này trái với kết luận của công an huyện. Bà đề nghị tòa cấp trên phải làm rõ. Đồng thời, bà cũng yêu cầu tòa giám định làm rõ ai là người tác động đến đồng hồ điện của bà vì đây là khởi nguồn của các rắc rối.
Chúng tôi sẽ thông tin tiếp khi vụ án có diễn biến mới.
Có nghi vấn? Trong đơn khởi kiện, bà Thanh cho biết vào năm 2010, sau khi khảo sát, lắp và kiểm tra đồng hồ xong, một nhân viên của Công ty Điện lực Chợ Gạo đã mượn bà 1 triệu đồng và nói sẽ trả trong vòng một tuần. Sau đó người này không trả, cha bà Thanh đòi mãi, đến hơn một năm sau nhân viên này mới trả tiền. Khoảng ba tháng sau ngày trả tiền thì diễn ra việc kiểm tra, lập biên bản. Về việc truy thu tiền, ban đầu công ty yêu cầu bà nộp hơn 52 triệu đồng, sau hạ xuống còn 48 triệu đồng. Cuối cùng, khi công an trả lời không thể kết luận bà Thanh trộm cắp điện thì công ty hạ xuống còn 292.000 đồng và thuyết phục bà Thanh đóng… Tòa suy diễn chủ quan Tôi cho rằng việc tòa dựa vào kết quả giám định để nhận định bà Thanh vi phạm hợp đồng là chưa chắc chắn, có phần chủ quan. Bởi kết luận giám định chỉ nói chung là có tổn thất điện năng mà không nói rõ ai là người tác động đến đồng hồ. Như vậy, đây chỉ là một nguồn chứng cứ chưa đủ để chứng minh chủ đồng hồ có hành vi trộm cắp điện (là lý do để điện lực ngừng cung cấp điện). Cần phải tách bạch rõ hai vấn đề tổn thất điện vì lý do nào đó khác với tổn thất do có hành vi cố tình trộm cắp của chủ đồng hồ. Tòa không thể suy diễn là cứ có tổn thất là quy ngay lỗi cho chủ đồng hồ. Lý do là đồng hồ điện này là loại được gắn ở đầu trụ điện phía ngoài trời, dưới sự quản lý của công ty điện lực, đúng như nhận định của công an huyện trước đó. Tức là có thể người cắt niêm chì là một người nào đó có mâu thuẫn với chủ đồng hồ điện. Chỉ khi đồng hồ này được gắn ở trong nhà bà Thanh, do chủ nhà quản lý thì việc quy trách nhiệm cho bà Thanh may ra mới có cơ sở. Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM, Ủy viên BCH Liên đoàn |