Ngày 12-3, phòng CTXH BV Chợ Rẫy kết hợp với Trung tâm CTXH thanh niên TP đã tổ chức chương trình “Ngày Chủ nhật chia sẻ yêu thương” với các hoạt động kết hợp cắt tóc, gội đầu và bữa ăn thân mật dành cho người bệnh.
Không khí BV Chợ Rẫy sáng nay nhộn nhịp hơn hẳn những ngày thường, từ ngoài cổng tiếng nhạc rộn ràng thu hút khá nhiều bệnh nhân. Hơn 7 giờ sáng, những khuôn mặt mệt mỏi chiến đấu với bệnh tật dường như đã phai đi ít nhiều, thay vào đó là sự hứng khởi của những bệnh nhân từ nhiều khoa phòng khác nhau tập trung về sảnh BV để nghe các ca sĩ chuyên nghiệp biểu diễn. Cùng với đó là hoạt động cắt tóc, gội đầu miễn phí do tình nguyện viên đến từ Nhà văn hóa Phụ nữ thực hiện.
“Ở BV gần cả tháng rồi, còn bị ngồi xe lăn nên có gội đầu sạch sẽ, cắt tóc gọn gàng gì được đâu. Sáng nay con trai nghe nhạc xập xình mới nhớ bữa bác sĩ có gọi xuống cắt tóc. Đồ đẹp không thay được, chứ có đồ đẹp nữa là giống đi dự tiệc rồi. Vừa nghe ca sĩ hát, vừa cắt tóc. Quên sạch bệnh luôn” - chú Nguyễn Văn Hai (ngụ Bến Lức, Long An) chia sẻ.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Khôi, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy, trong tám năm qua (kể từ tháng 10-2008), phòng CTXH đã vận động được hơn 41,5 tỉ đồng từ 2.299 nhà hảo tâm, giúp đỡ 16.176 lượt người bệnh, tổng số tiền giúp đỡ người nghèo là 55,5 tỉ đồng, hỗ trợ 4.500 suất ăn miễn phí mỗi ngày, 126 lượt bệnh nhân được uống sữa đặc hiệu, giúp 91 phương tiện vận chuyển khi xuất viện, 7.744 phần quà cho người bệnh vào các dịp lễ, Tết.
“BV Chợ Rẫy đi đầu trong hoạt động CTXH, tôi xin khẳng định không nơi nào làm CTXH nhiều bằng BV Chợ Rẫy, làm CTXH người ta gắn liền với câu “lá lành đùm lá rách” nhưng đối với BV Chợ Rẫy là “lá rách đùm lá rách hơn”. Chúng tôi đã gặp những câu chuyện cực kỳ cảm động. Tôi vẫn còn nhớ mãi về lần đầu tiên, khi tôi còn là nhân viên bình thường, là một bác sĩ lầu bảy. Trong vụ lật đường tàu lớn ở Dầu Giây, bệnh nhân đưa về nhiều đến mức phải dẹp cấp cứu ban ngày trải chỗ cho bệnh nhân nằm cấp cứu. Tôi lên ngoại lồng ngực, có một em bé 13 tuổi cùng gia đình từ Thanh Hóa nhưng tất cả đã chết trong vụ tai nạn, chỉ còn lại mình em. Lúc đó bệnh nhân không còn nơi nương tựa, sau khi chữa khỏi cho bệnh nhân, tôi không nỡ đưa em vào cô nhi viện. Vì vậy tôi coi nó như đứa em, đi đâu cũng chở đi theo. Một thời gian, tôi định hướng cho gửi em theo thanh niên xung phong. Đến nay chàng trai này đã có đất, có nhà, vợ con ở Cần Giờ và là tổng đội phó thanh niên xung phong. CTXH của BV Chợ Rẫy được thực hiện từ những việc nhỏ như thế và kéo dài cho đến ngày hôm nay” - PGS Khôi chia sẻ.
Với BV Chợ Rẫy, nếu bệnh nhân không bế tắc về chuyên môn nhưng bế tắc về tài chính, BV sẽ hết sức giúp đỡ. “BV không để bệnh nhân bán đi những cái gì trong gia đình mình để mưu sinh. Thậm chí nếu bệnh nhân không có tiền nhưng vẫn có thể cứu được, BV sẵn sàng nhờ sự trợ giúp từ bác sĩ nước ngoài. Ở BV Chợ Rẫy, nếu bệnh nhân không may không qua khỏi bệnh tật, BV sẽ tổ chức vận chuyển đưa về, không bao giờ để thân nhân của bệnh nhân tự mang xe đưa về. Chợ Rẫy nghiêm cấm và dứt khoát không bao giờ có chuyện để thân nhân tự mang xác về. Nếu ai để xảy ra trường hợp đó, trước khi Bộ Y tế kỷ luật, BV sẽ kỷ luật nghiêm khắc hơn” - phó giám đốc BV Chợ Rẫy khẳng định.
Một số hình ảnh tại chương trình "Ngày Chủ nhật chia sẻ yêu thương":
PGS-BS Nguyễn Văn Khôi tặng hoa cho nhóm Mắt ngọc tại chương trình. Ảnh: HÀ PHƯỢNG
Bệnh nhân xem các ca sĩ biểu diễn trước khi cắt tóc, gội đầu. Ảnh: HÀ PHƯỢNG
Chương trình cắt tóc, gội đầu cho bệnh nhân. Ảnh: HÀ PHƯỢNG
Nhiều bệnh nhân hào hứng đến từ sáng sớm để được cắt tóc miễn phí. Ảnh: HÀ PHƯỢNG
Chương trình sẽ diễn ra đến 23 giờ cùng ngày, dành cho tất cả bệnh nhân tại BV Chợ Rẫy. Ảnh: HÀ PHƯỢNG
Nhóm cắt tóc đến từ Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM. Ảnh: HÀ PHƯỢNG