Cá kho làng Vũ Đại, bò giàng Lào ...hút khách Sài Gòn

Những ngày này, các cửa hàng bán đặc sản nhộn nhịp khách mua. Đặc sản các loại từ miền Bắc, miền Trung, miền Nam đang đổ về TP.HCM.

Không chỉ món ngon trong nước mà đặc sản Lào, Campuchia, Thái Lan cũng xuất hiện ngày càng nhiều.

Cá kho đi máy bay, giá 1,3 triệu đồng/niêu

Vừa tất bật tính tiền cho khách, bà chủ cửa hàng bán đặc sản miền Bắc trên đường Điện Biên Phủ, quận 1 chia sẻ: “Hàng đặc sản miền Bắc đang được khách hàng TP.HCM mua nhiều. Những ngày này khách đông nên tôi vừa phải hướng dẫn nhân viên bán hàng, vừa phải trực tiếp bán hàng và giới thiệu sản phẩm cho khách”.

Cửa hàng này bán nhiều đặc sản từ các tỉnh phía Bắc nhưng đặc sản miến dong làng So (Hà Nội) và măng lưỡi lợn Tuyên Quang đang được khách hàng mua nhiều nhất.

Dịp tết này, khoảng 2.000-3.000 niêu cá kho làng Vũ Đại của cơ sở cá kho Trần Luận (Lý Nhân, Hà Nam) “cưỡi” máy bay vào TP.HCM. “Thời điểm cận tết đơn đặt hàng rất lớn, trong khi kho cá rất kỳ công, tốn nhiều thời gian nên chúng tôi không kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng” - ông Kiên, đại diện cơ sở cá kho Trần Luận tại TP.HCM, thông tin.

Món cá kho cổ truyền làng Vũ Đại (là tên văn học, tên cũ là làng Đại Hoàng; nay là làng Nhân Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam) đã nổi tiếng khắp nơi và còn xuất khẩu ra nước ngoài. Sở dĩ món cá này đặc biệt bởi thịt cá (thường là cá trắm đen) cứng chắc, xương cá xốp mềm, được chế biến kỳ công và kho trong 12-15 giờ liên tục cùng với gia vị cổ truyền.

“Do chi phí vận chuyển bằng máy bay cao nên giá bán tại TP.HCM cao hơn ở miền Bắc nhiều. Niêu cá kho 1 kg ở thị trường Hà Nội bán giá 400.000 đồng, còn tại TP.HCM là 600.000 đồng. Niêu cá kho lớn nhất khoảng 4,5 kg giá 1,3 triệu đồng” - ông Kiên cho biết thêm.

Ngoài cơ sở cá kho Trần Luận, năm nay khá nhiều cơ sở bán đặc sản tại TP.HCM cũng bán cá kho làng Vũ Đại. Lý do là ngày càng nhiều người thích loại cá kho này, đặc biệt là hương vị. Ngoài mua để gia đình dùng trong dịp tết, nhiều người còn mua để làm quà biếu, tặng.


Khách đang mua đặc sản tại một cửa hàng trên đường Điện Biên Phủ, quận 1, TP.HCM. Ảnh: QUANG HUY

Cọ ỏm, một loại đặc sản tận Phú Thọ cũng đã có mặt tại TP.HCM. Chị Phương Thùy, nhà ở quận 12 cho hay phải đặt trước mới có đặc sản này mời người thân thưởng thức trong dịp tết.

Chị Thùy nói: “Khi ỏm nếu không khéo cọ sẽ bị tóp lại, cứng chát không ăn được, do vậy phải khéo léo, kỳ công. Cọ ỏm chấm với nước mắm, tương ớt hay làm dưa đều rất hấp dẫn”.

Bên cạnh các loại đặc sản trên, trên địa bàn TP.HCM đã bày bán khá nhiều thịt heo, thịt trâu gác bếp Tây Bắc, bánh tét Trà Vinh, bò một nắng Gia Lai, tôm khô Cà Mau… Nhìn chung giá đặc sản thường khá cao, như thịt trâu gác bếp Tây Bắc khoảng 900.000 đến 1 triệu đồng/kg, bò một nắng Gia Lai khoảng 650.000 đồng/kg.

Đặc sản Côn Đảo, Phú Quốc

Nhiều đặc sản dân dã nhưng “độc, lạ, ngon” từ các huyện đảo xa xôi cũng cập đất liền về Sài Gòn. Anh Khiêm, admin hatbangcondao.com chuyên bán hạt bàng Côn Đảo rang muối, rang ngọt, mứt… giao hàng tận nơi ở ba thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM và Cần Thơ.

Anh Khiêm cho hay giá hạt bàng rang khá cao, khoảng 340.000 đồng/kg nhưng vẫn hút người mua. Bàng ở Côn Đảo là cây rừng, lá và quả khá lớn so với cây bàng ở đất liền. Người dân ở đây thu hoạch quả bàng đem phơi, đốt vỏ, rồi đem ra chẻ lấy hạt. Hạt bàng mới tách ra có màu nâu đỏ, ăn ngọt, bùi, béo.

“Phải thao tác mất vài tiếng đồng hồ, vừa chẻ vừa tách chỉ được chừng vài trăm gram hạt. Sau đó đem rang muối hoặc rang đường tùy ý. Đó là lý do vì sao hạt bàng Côn Đảo bán giá cao” - anh Khiêm giải thích.

Huyện đảo Phú Quốc năm nay cung ứng một loạt đặc sản dịp tết cho thị trường TP.HCM. Đại diện cơ sở sản xuất rượu sim Bảy Gáo (Phú Quốc) cho hay rượu vang làm từ trái sim rừng ở Phú Quốc được tiêu thụ khá mạnh dịp tết.

Hiện nay một chai vang sim Phú Quốc có giá bán tại TP.HCM từ 210.000 đến 220.000 đồng/chai loại 750 ml, rượu sim 180.000-190.000 đồng/chai. Phần đông khách hàng mua chủ yếu làm quà biếu, một số khách hàng quen thì mua để dùng hằng ngày.

Chọn hàng có nguồn gốc rõ ràng

Tại nhiều chợ và cửa hàng trên địa bàn TP.HCM đang bán đặc sản măng vầu (Bắc Giang), nếp nương Sơn La, gạo Tám Xoan (Nam Định), rượu Làng Vân (Bắc Giang), rượu Bàu Đá (Bình Định)…

Riêng tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), các đặc sản miền Trung từ mắm ruốc, chả giò Huế đến các loại bánh tét, bánh thuẫn, bánh in, bánh đậu xanh đã được các tiểu thương bày bán nhiều.

Ở các siêu thị lớn như Co.opmart, Big C… cũng đã bày bán nhiều đặc sản vùng miền. Trong đó, phần lớn đều là các sản phẩm làng nghề hoặc đặc sản địa phương như gạo Ngọc Việt - Ninh Thuận, lạp xưởng Sóc Trăng, xoài Cát Chu, bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn, cam mật Cần Thơ.

Trước sự lo lắng về chất lượng của các loại đặc sản, nhiều người bán khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn mua đặc sản tại những cơ sở có uy tín, hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Đặc sản Lào, Campuchia

Tại chợ Lê Hồng Phong (quận 10, TP.HCM) đang bán lạp xưởng, khô cá lóc, khô rắn, thịt nai khô… Campuchia. Ông Minh, chuyên bán đặc sản tết cho biết một số loại cá tra dầu, cá hô, cá trà sóc… mua từ Campuchia, Lào về TP.HCM tiêu thụ tốt. Cá chủ yếu dưới dạng đông lạnh hoặc cá khô.

Giá bán các sản phẩm của Lào hoặc Campuchia thường mắc hơn so với sản phẩm cùng loại trong nước. Chẳng hạn, bò giàng Lào giá từ 900.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/kg, cá lóc Biển Hồ giá khoảng 360.000 đồng/kg, khô rắn 500.000 đồng/kg.

Đại diện Organica khẳng định để đảm bảo uy tín, khi bán các loại đặc sản hệ thống cửa hàng của Organica đều lấy từ những nguồn đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Chẳng hạn như gà muối, giò thủ lấy từ Hà Giang do được chế biến từ gà và heo của người dân tộc bản địa vùng núi, đồng thời sản phẩm này được dự án phát triển cộng đồng quốc tế hỗ trợ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm