Gần đây, một doanh nghiệp (DN) đã gửi thư ngỏ xin được mua vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau từ 65% trở lên nhưng đã bị từ chối. Để có câu trả lời cho vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Mai Hữu Chinh - Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Cà Mau.
Ông Mai Hữu Chinh cho biết đúng là có DN gợi ý mua ở mức đó nhưng theo lộ trình, tỉnh chỉ bán ở mức 35% trong năm nay.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi vì sao chỉ bán ở mức này trong khi chủ trương cho phép có thể “đẩy nhanh tiến độ và tăng tỉ lệ thoái vốn so với tỉ lệ tối thiểu hằng năm đã được phê duyệt”, ông Chinh khẳng định: “Chúng tôi đã làm đúng quy định”.
Lý giải rõ hơn về vấn đề này, ông Chinh nói: “Thực tế cho thấy khi tư nhân nắm quyền chi phối vốn điều lệ sẽ xảy ra một số tình huống bất ổn, nhất là việc sa thải công nhân lao động. Từ đó, tỉnh có lộ trình là trong năm 2017 chỉ bán vốn ở mức 49%. Lúc cổ phần hóa năm 2016 đã bán được gần 14%, nay bán thêm khoảng 35% để Nhà nước nắm cổ phần chi phối 51% - tôi nói số tròn”.
Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau năm nay chỉ thoái vốn ở mức khoảng 35%. Ảnh: TRẦN VŨ
Theo ông Chinh, mục tiêu của lộ trình này là nhằm ổn định về mặt tổ chức, lao động. “Sau khi ổn định rồi, chúng tôi sẽ tiếp tục bán vốn nhà nước, thậm chí bán hết, không giữ lại phần trăm nào” - ông Chinh khẳng định.
“Thưa ông, công nhân, người lao động đã có hệ thống luật pháp trong lĩnh vực này điều chỉnh, bảo vệ. Ai đó sa thải công nhân trái luật sẽ bị xử lý. Liệu lý do này có thuyết phục?”.
Trả lời câu hỏi trên, ông Chinh nói: “Dù vậy nhưng thực tế nó khác. Khi tư nhân nắm vốn chi phối, họ có thể sa thải hàng loạt lao động mà trong đó không ít người đã có mấy mươi năm làm việc cho công ty. Vậy thì họ sẽ ra sao khi mất việc. Ta sẽ mang tiếng vắt chanh bỏ vỏ”.
Ông Chinh tiếp tục khẳng định tỉnh đã rất cân nhắc vấn đề này và thấy rằng tạm thời nắm vốn chi phối để cùng với tư nhân có vốn góp phát triển mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm mới.
“Đến khi thấy ổn định được việc làm cho công nhân lao động, chúng ta sẽ thoái vốn tiếp và buông hẳn cho tư nhân quyền điều hành, quản trị toàn bộ. Nói chung, việc hạn chế bán vốn như trên của chúng tôi không ngoài mục đích đảm bảo ổn định về mặt tổ chức, lao động tại công ty” - ông Chinh nhấn mạnh.
Khuyến khích đẩy nhanh cổ phần hóa Nghị quyết Trung ương 5 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới nâng cao hiệu quả DN nhà nước khẳng định: “Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại DN nhà nước theo hướng kiên quyết cổ phần hóa, bán vốn tại những DN mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những DN đang kinh doanh có hiệu quả…”. Mới đây, ngày 17-8, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1232 phê duyệt danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020. Tại danh mục này, Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau được chỉ đạo thoái vốn tối thiểu trong năm 2017 là 35,49%. Cũng theo quyết định này, các địa phương có thể: “Chủ động căn cứ tình hình thị trường và thực tế tại DN để đẩy nhanh tiến độ và tăng tỉ lệ thoái vốn so với tỉ lệ tối thiểu hằng năm đã được phê duyệt; bổ sung DN thực hiện thoái vốn sớm hơn nhưng cần đảm bảo hiệu quả, tính công khai, minh bạch”. |