Các bên nói về quy định cho thuê căn hộ ngắn hạn

Theo Bộ Xây dựng, việc sử dụng căn hộ chung cư không phải để ở mà kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Trước quan điểm này, nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng không ít chuyên gia cho rằng chưa hợp lý. Theo đó, dù dài hạn hay ngắn hạn thì chủ căn hộ luôn có quyền cho khách thuê với mục đích để ở, miễn không phải thuê để kinh doanh.

Quyền định đoạt của chủ sở hữu

Những năm gần đây, dịch vụ cho thuê căn hộ ngắn ngày, theo giờ nở rộ ở các đô thị lớn, đặc biệt là những TP thu hút khách du lịch như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… Kiểu kinh doanh này được biết đến phổ biến nhất với nền tảng chia sẻ nhà ở trực tuyến (Airbnb) và đang được người dân đón nhận tốt.

Ông Ngô Đức Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần DRH Holdings, cho rằng quy định cấm chủ nhà cho thuê chính căn hộ của họ là không đúng với hiến pháp và luật dân sự. Theo hiến pháp, người dân có quyền sở hữu tài sản và định đoạt tài sản đó. Còn theo luật dân sự, người dân có quyền cho thuê căn nhà, căn hộ của mình. Khi khách thuê căn hộ dù thời gian ngắn hay dài thì cũng chỉ để ở, do vậy không vi phạm quy định. Trường hợp căn hộ cho thuê với mục đích kinh doanh như làm văn phòng công ty, tiếp khách hàng hay làm nhà kho thì mới là sai quy định.

Cần lưu ý là theo Điều 121 Luật Nhà ở 2014 thì bên cho thuê nhà và bên thuê nhà được tự do thỏa thuận về thời hạn cho thuê, có nghĩa là bao gồm cả trường hợp cho thuê ngắn hạn.

Nhấn mạnh vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP), đơn vị phát triển và phân phối bất động sản (BĐS), nói: “Căn hộ cho thuê 1-2 năm, 1-2 tháng hay thậm chí 1-2 ngày thì người thuê đều sử dụng cùng một mục đích để ở, nghĩa là công năng của ngôi nhà không thay đổi. Vì sao cho thuê dài hạn thì được phép, còn ngắn hạn lại bị cấm?”.

Ông Việt cũng đặt ra nhiều câu hỏi như cho thuê ngắn hạn thì gây khó quản lý về nhân khẩu hay về thu thuế, có ảnh hưởng gì tới công tác vận hành tòa nhà hay không. Các vướng mắc phát sinh cần được nêu rõ để tìm ra giải pháp trước khi nghiêm cấm.

Nếu chỉ lấy một vài trường hợp nhóm người thuê nhà để sử dụng chất kích thích, hoạt động tội phạm gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự để đánh giá hàng triệu người thuê với mục đích chính đáng thì có phần phiến diện, không thỏa đáng.

Nhiều ý kiến đề xuất chủ căn hộ cho thuê ngắn hạn phải khai báo và đóng thuế. Ảnh minh họa: QUANG HUY

Cần quản lý cả an ninh lẫn nghĩa vụ tài chính

Dù ủng hộ việc chủ nhà có quyền cho thuê căn hộ ngắn hạn nhưng luật sư Huỳnh Văn Nông, trưởng ban quản trị một tòa nhà tại quận 2, cũng đồng ý là phải có quy định, biện pháp quản lý khách thuê chặt chẽ, đảm bảo an ninh trật tự cho tòa nhà và cư dân.

Chủ sở hữu căn hộ nếu không ở họ hoàn toàn có quyền cho người khác thuê để ở, đó là quyền định đoạt tài sản. Nếu chủ nhà cho thuê và đóng thuế đầy đủ từ nguồn thu hợp pháp đó thì cơ quan chức năng hay ban quản lý chung cư đều không thể cấm. Thực trạng việc cho thuê làm nảy sinh một số tệ nạn như ma túy, mại dâm thì đó là vấn đề ở khâu quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng.

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam 

Luật sư Nông phân tích hiện nay, có nơi chủ nhà cho khách thuê không cần báo với ban quản trị, khách thuê chỉ cần có thẻ ra vào (chủ nhà cung cấp) là được. Việc kiểm tra lưu trú lại thuộc thẩm quyền của cơ quan công an. Việc ban quản trị không nắm được danh sách khách thuê ra vào có thể dẫn đến nguy cơ mất an ninh, an toàn, ảnh hưởng đến cư dân đang sinh sống tại chung cư. Nếu căn hộ có nhiều khách thuê theo giờ tất yếu dẫn đến tình trạng người lạ ra vào chung cư liên tục, rất phức tạp.

“Vì vậy, nhất định phải có biện pháp quản lý. Theo tôi, cần đưa quy định chủ căn hộ cho thuê phải đăng ký thông tin khách thuê với ban quản trị. Nội dung này phải đưa vào nội quy chung cư để đảm bảo cư dân tuân thủ” - luật sư Nông đề xuất.

Theo TS Sử Ngọc Khương, nhiều nước trên thế giới cũng cho phép sử dụng căn hộ để kinh doanh cho thuê và có kèm theo những quy định cụ thể. Ví dụ, một năm chủ sở hữu được khai thác cho thuê bao nhiêu thời gian, phải đăng ký với cơ quan chính quyền để nộp thuế. Đây là một hình thức lưu trú mới, vừa tạo nguồn thu nhập cho các chủ hộ, vừa tăng cơ sở lưu trú phục vụ du lịch nên cần được ủng hộ.

Để quản lý tốt mô hình này cần gắn chặt quyền lợi với nghĩa vụ của chủ nhà, có chế tài khi xảy ra vi phạm, sự cố. “Điều chúng ta cần là biện pháp quản lý tốt, chế tài khi vi phạm chứ không nên cấm bởi nếu cấm sẽ lãng phí nguồn thu, tài nguyên xã hội, cản trở nguồn thu cho ngân sách nhà nước” - ông Khương nói.

Bàn thêm về vấn đề này, mới đây Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) đã có những kiến nghị rất cụ thể. Theo đó, Luật Nhà ở 2014 quy định cấm “sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở” nhưng cụm từ “sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở” lại chưa được Luật Nhà ở giải thích cụ thể. Do vậy, HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS 2014, công nhận hoạt động cho thuê căn hộ chung cư ngắn hạn (theo giờ, buổi, ngày, vài ngày hoặc 1-2 tuần…) là hoạt động kinh doanh hợp pháp. Kèm theo đó phải quy định người cho thuê nhà theo phương thức “chia sẻ phòng thuê Airbnb” phải đăng ký kinh doanh và có nghĩa vụ nộp thuế; chủ căn hộ chỉ được cho thuê nhà trong khoảng thời gian nhất định trong năm, theo thỏa thuận với chính quyền địa phương hoặc với cư dân bị ảnh hưởng.

Sẽ đánh giá tác động từ quy định này

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS - Bộ Xây dựng, đã trả lời câu hỏi của PV Pháp Luật TP.HCM về việc có nên điều chỉnh quy định hiện hành để vừa đáp ứng nhu cầu thuê, cho thuê nhà chung cư ngắn hạn cho nguời dân, vừa quản lý được hình thức cho thuê này. Theo ông Ninh, cục sẽ tiếp thu ý kiến của cử tri, những góp ý của các chuyên gia để đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét. “Trước hết phải đánh giá được tác động của quy định này trong thực tế là như thế nào, có cần thiết sửa hay không rồi mới có quyết sách cụ thể” - ông Ninh nói.

TRỌNG PHÚ ghi 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm