Thời gian gần đây, các đối tượng thường nhắm đến việc thu thập thông tin của các nạn nhân như thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP gửi về điện thoại hòng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Nguy hiểm hơn, các đối tượng lừa đảo thường xuyên tự xưng mình là công an, cán bộ nhà nước, nhân viên y tế,… để người dân lơ là, mất cảnh giác mục đích dễ dàng lừa đảo hơn. PLO xin tổng hợp một số loại hình lừa đảo mới để bạn đọc phòng, tránh trước các chiêu trò này.
Mang trang phục, giả danh công an để lừa đảo
Bên cạnh các chiêu trò lừa đảo qua điện thoại, các đối tượng còn sử dụng những thủ đoạn tinh vi hơn như mang trang phục công an, quân hàm, bảng tên,… đến nhà người dân để tạo sự tin tưởng. Tiếp đến, các đối tượng này sử dụng nhiều chiêu trò khác nhau để lừa đảo tài sản người dân. Ví dụ như mới đây có trường hợp hai người tự xưng là công an phường Bình Trị Đông An, quận Bình tân, TP.HCM, yêu cầu một chủ tiệm sửa xe mua 10 vé xem ca nhạc ủng hộ trẻ em khuyết tật.
Hai người đàn ông ăn mặc lịch sự vào tiệm sửa xe và đề nghị chủ tiệm mua vé ủng hộ. Ảnh chụp từ clip camera an ninh
Vé ca nhạc hai người này yêu cầu chủ tiệm mua. Ảnh: NT
Có trường hợp tự giới thiệu mình có thể giúp nạn nhân “chạy án” với một mức giá nhất định, trường hợp cá biệt còn chặn xe người dân đang lưu thông trên đường, yêu cầu đưa tiền rồi mới cho qua.
Theo Bộ Công an, Các đối tượng giả danh Công an thường sử dụng trang phục không đồng bộ, công cụ hỗ trợ, bảng hiệu, giấy tờ của ngành Công an không đúng quy định khi tiến hành các hoạt động tuần tra, kiểm soát, liên hệ thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự.
Trong trường hợp này, chỉ cần quan sát thái độ, cách thể hiện, tư thế tác phong có thể phân biệt được họ là Công an thật hay giả.
Trong trường hợp người dân chưa có cơ sở xác định họ giả danh Công an, còn nghi ngờ, cần kết hợp với các cách thức khác để kiểm tra. Tuy nhiên, cần chú ý đề cao cảnh giác, chỉ nghe họ nói, không làm theo họ.
Nếu nghi ngờ, có thể tạo lý do hợp lý để chụp ảnh đối tượng, ghi âm lời nói của đối tượng để làm bằng chứng đối chiếu hoặc tố giác với cơ quan Công an.
Nếu gặp ai khả nghi, người dân cần báo ngay cho công an địa phương xử lý.
Một nghi can mua trang phục công an, quân hàm, bảng tên rồi mặc trên người đi lừa tiền người dân ở Đồng Nai. Ảnh: CAĐN
Lừa đảo thông qua việc cấp tài khoản định danh điện tử
Nhiều đối tượng lừa đảo “ăn theo” việc Bộ Công an triển khai việc cấp tài khoản định danh điện tử, các đối tượng này đã tự xưng mình là công an và yêu cầu nạn nhân đăng nhập vào website giả mạo để lấy thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP, sau đó dùng các thông tin nạn nhân cung cấp để đăng nhập qua các ứng dụng ví điện tử để chiếm đoạt tài sản. Đáng chú ý, các đối tượng lừa đảo đã đọc chính xác tên, số định danh, ngày tháng năm sinh, thậm chí còn có trường hợp các đối tượng lừa đảo biết được cả thông tin người thân,.. của các nạn nhân để họ tin theo.
Công an khuyến cáo việc xác thực định danh điện tử chỉ thực hiện trực tiếp tại các trụ sở và không yêu cầu người dân cung cấp thông tin gì qua điện thoại.
Giả danh CSGT thông báo phạt nguội
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết trong quy trình xử phạt giao thông của các nạn nhân. Nhiều đối tượng lừa đảo đã tự xưng mình là Tổng đài viên CSGT, thông báo đang giữ biên lai “phạt nguội” do vi phạm trật tự an toàn giao thông của các nạn nhân và yêu cầu họ kê khai tài sản, cung cấp thông tin và chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp để xác minh, điều tra,…
Theo đúng quy trình, người dân khi bị “phạt nguội” thì phải nhận được thông báo bằng văn bản từ Phòng CSGT đến chủ phương tiện hoặc cá nhân, tổ chức liên quan. Công an không làm việc qua điện thoại. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin, thực hiện chuyển khoản ngân hàng dưới bất kì hình thức nào cho người lạ qua điện thoại.
Giả nhân viên y tế để thu thập thông tin cá nhân
Trong thời gian gần đây, trước tình hình nhiều hộ dân bị nhiễm COVID-19. Các đối tượng lừa đảo đã gọi điện và tự xưng là nhân viên y tế, yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân và xác nhận để được đưa đi cách ly theo quy định của Bộ Y tế.
Đây là chiêu trò để thu thập thông tin cá nhân để phục vụ cho những mục đích xấu khác, người dân cần phải cảnh giác cao độ trước những trường hợp trên.
Hiện nay, người dân tại TP.HCM khi có triệu chứng nghi nhiễm COVID-19 sẽ thực hiện xét nghiệm nhanh tại nhà, nếu có kết quả dương tính thì thực hiện cách ly tại nhà và khai báo thông qua địa chỉ https://khaibaof0.tphcm.gov.vn và được cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly y tế tại nơi lưu trú. Người dân nên lưu số điện thoại của Trạm Y tế, Trung tâm Y tế nơi mình sinh sống để được hỗ trợ thêm.
(PLO)- Nhiều người bất ngờ nhận được cuộc gọi lúc nửa đêm, tự xưng là cán bộ CSGT, yêu cầu cung cấp thông tin để xử lý vi phạm giao thông.