Các chung cư cao cấp, hạng sang đều là tự phong

(PLO)- Cả nước chỉ có 7 chung cư tại ba tỉnh Thái Nguyên, Hà Tĩnh, An Giang được phân hạng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vừa có báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, vận hành và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư” gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ đầu tư tự phong hạng chung cư

Đáng chú ý, báo cáo giám sát chỉ ra thực trạng các chủ đầu tư tự ‘phong hạng’ cho chung cư bằng những tên gọi gây nhầm lẫn cho người mua, người thuê, như chung cư cao cấp, chung cư hạng sang, chung cư với tên gọi tiếng nước ngoài.

Các chủ đầu tư tự ‘phong hạng’ cho chung cư bằng những tên gọi gây nhầm lẫn cho người mua, người thuê. Ảnh minh hoạ

Các chủ đầu tư tự ‘phong hạng’ cho chung cư bằng những tên gọi gây nhầm lẫn cho người mua, người thuê. Ảnh minh hoạ

Luật Nhà ở quy định nhà chung cư được phân thành nhiều hạng khác nhau để xác định giá trị. Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban Thông tư số 31/2016/TT-BXD quy định việc phân hạng và công nhận phân hạng nhà chung cư.

Tuy nhiên, theo quy định của thông tư này, việc phân hạng và công nhận phân hạng chỉ thực hiện khi có đề nghị của cơ quan, tổ chức. Do đó, nhiều địa phương không thực hiện quy định này.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy đến hết tháng 11-2022, cả nước chỉ có 7 chung cư được phân hạng tại Thái Nguyên (ba chung cư), Hà Tĩnh (ba chung cư), An Giang (một chung cư).

Còn lại các chung cư khác không thực hiện phân hạng và công nhận phân hạng theo quy định. Điều này đồng nghĩa với việc các khách hàng mua chung cư hạng sang, cao cấp tại hầu hết các địa phương đều là tự phong.

Chỉ 11% nhà chung cư thuộc diện nguy hiểm được cải tạo, xây dựng lại

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến hết tháng 11-2022, cả nước có gần 5.860 chung cư. Trong số này, có gần 3.100 nhà chung cư được xây dựng trước năm 1994, gần 2.780 nhà chung cư được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1994 đến nay.

Nhưng chỉ có 49% xác định được niên hạn sử dụng (gần 2.900 chung cư) do một số địa phương chỉ xác định niên hạn sử dụng đối với một phần chung cư trên địa bàn và nhiều địa phương không xác định được niên hạn sử dụng chung cư (như Hà Nội, Cao Bằng).

Đáng chú ý, trong số những chung cư xác định được thời hạn sử dụng, có 780 chung cư đã hết niên hạn sử dụng, 69 chung cư sẽ hết niên hạn vào 2025 và 64 chung cư khác sẽ hết niên hạn vào năm 2030.

Báo cáo giám sát cho biết nhiều chung cư tuy đã hết niên hạn nhưng qua kiểm định vẫn còn có thể sử dụng an toàn, tuy nhiên con số cụ thể không được đề cập.

“Đây là rào cản, vướng mắc cho công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư” - báo cáo giám sát nhận định.

Báo cáo của Bộ Xây dựng và các địa phương cho thấy hiện có 366 nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại. Trong đó nhà chung cư đã hoàn thành việc cải tạo, xây dựng lại là 42 (chiếm 11%) và đang thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại là 69 (chiếm 19%).

Cũng theo báo cáo giám sát, số lượng nhà chung cư đã và đang thực hiện cải tạo, xây dựng lại còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn (30%) so với tổng số nhà chung cần phải thực hiện cải tạo, xây dựng lại.

Đặc biệt là số này chỉ tập trung chủ yếu ở địa phương có cơ chế cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tốt như Hải Phòng, trong khi các vướng mắc về thể chế chưa được giải quyết để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất.

Ủy ban Pháp luật cho rằng sự vào cuộc của chính quyền địa phương còn chưa quyết liệt nên kết quả thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại Hà Nội, TP.HCM còn chưa đạt kết quả đề ra.

Kết quả giám sát cũng cho thấy bên cạnh các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được chủ đầu tư triển khai theo đúng tiến độ kế hoạch, một số dự án gặp nhiều khó khăn trong việc đạt thỏa thuận về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với chủ sở hữu.

Lý do là chủ sở hữu thường yêu cầu hệ số bồi thường tái định tại chỗ quá lớn. Trong khi chưa có quy định về hệ số bồi thường tối đa cho phép, chủ đầu tư không thống nhất được phương án bồi thường với chủ sở hữu căn hộ…

Báo cáo giám sát của Uỷ ban Pháp luật nhằm cung cấp thêm thông tin thực tiễn cho các vị đại biểu trong quá trình hoàn thiện dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới.

Phạm vi giám sát trọng tâm là giai đoạn từ 1-7-2015 đến hết 30-11-2022.

Đối tượng giám sát gồm Bộ Xây dựng và 5 địa phương: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo số liệu của báo cáo giám sát, Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng chung cư, với hơn 3.000 nhà, gấp gần 2 lần con số hơn 1.600 nhà của TP.HCM. Số lượng chung cư của Hà Nội cũng chiếm hơn 50% tổng số chung cư của cả nước. Hơn một nửa số chung cư của Hà Nội (1.880 nhà), được xây dựng trước năm 1994.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm