Tại hội thảo tình hình quảng cáo tại Việt Nam sáu tháng đầu năm 2018 do Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam và Hội Quảng cáo TP.HCM vừa tổ chức, ông Nguyễn Văn Chinh, Giám đốc điều hành Đất Việt Media, nhận xét: Việt Nam cũng tập trung cho quảng cáo nhưng trận địa này là của công ty quảng cáo nước ngoài.
Chẳng hạn 863 tỉ đồng chi cho quảng cáo trong sáu tháng đầu năm 2018 từ Unilever cũng do các công ty quảng nước ngoài thực hiện. Ngay cả Vinamilk cũng do công ty quảng cáo nước ngoài thực hiện.
"Các công ty quảng cáo Việt có khả năng làm được nhưng không được giao trọng trách làm cho các thương hiệu lớn, vì điều kiện, niềm tin", ông Chinh nhận xét.
Dẫn số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Kantar Media, ông Chinh cho biết chi tiêu quảng cáo từ năm 2012 cho đến sáu tháng 2018 ở Việt Nam tăng khá nhiều nhưng gần đây xu hướng chi tiêu quảng cáo trên truyền thông giảm (gồm tivi và báo chí). Thị trường quảng cáo ở Việt Nam khoảng 45.000 tỉ đồng, qua các năm càng giảm.
Ông Chinh cũng dẫn số liệu từ tập đoàn truyền thông hàng đầu Mỹ WPP - Goup M cùng số liệu từ công ty nghiên cứu Kantar Media đang theo dõi cho thấy: Năm 2017, tại Việt Nam có 600 tỉ đồng quảng cáo trên digital, đây là một trong những phương tiện được sử dụng quảng cáo khá nhiều.
Và ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) chiếm đến 70% chi tiêu quảng cáo trên truyền hình và báo chí. Do đó, hiện nay người tiêu dùng dễ dàng nhận thấy quảng cáo về dầu gội, nước tương, nước nắm… thể hiện Việt Nam đang rất tập trung quảng cáo vào ngành hàng này. Trong khi ở nước ngoài những ngành dịch vụ đang rất phát triển.
Về ngành hàng thì sản phẩm sữa của các DN như Vinamilk, TH milk đứng đầu quảng cáo so với năm ngoái. Một số ngành mới như mì gói, mọi năm không tăng chi tiêu quảng cáo nhưng sáu tháng đầu năm lại chi tiêu mạnh cho hoạt động này.
Về sản phẩm, Điện Máy Xanh cũng đang quảng cáo mạnh khi sáu tháng đầu năm, đơn vị này chi tiêu cho quảng cáo 140 tỉ đồng, tiếp theo là Number One…Về thương hiệu thì các công ty nước ngoài có các sản phẩm quảng cáo nhiều nhất.
Về công ty thì Unilver từ khai sinh ra ngành quảng cáo Việt Nam 1995-1996 luôn đứng đầu chi tiêu quảng cáo. Đến nay họ vẫn đứng đầu khi trong sáu tháng đầu năm 2018 chi tiêu quảng cáo là 837 tỉ đồng. Tiếp đến là Công ty P&G thông thường đứng sau Unilever nhưng khoảng năm năm trở lại đây top 10 các công ty quảng cáo nhiều nhất Việt Nam có ba DN Việt lọt vào.
Vậy tiền quảng cáo đổ vào đâu nhiều nhất? Theo ông Chinh, nghiên cứu cho thấy lâu nay VTV được chi tiêu quảng cáo nhiều nhất với 1.400 tỉ đồng, HTV, truyền hình Vĩnh Long. Đáng chú ý là kênh An Ninh TV xếp vị trí thứ tư thu hút quảng cáo, vượt qua những kênh “máu mặt” như HTV 9 khi tăng 111% với 683 tỉ đồng. Khách hàng của họ vẫn là Unilever, P&G đang quảng cáo nhiều trên kênh này.
Xu hướng truyền thông thế nào? Ông Chinh cho biết công ty nghiên cứu thị trường Nielsen qua các năm 2012-2014 cho thấy người xem tivi hằng ngày đang giảm lại với 77% trước đây là 92%. Nhưng không có nghĩa người dân không xem tivi mà hiện nay chuyển sang coi trên mobile…
Ông Nguyễn Quý Cáp, Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM, hiện nay trong ngành quảng cáo các công ty nước ngoài nắm thông tin chặt chẽ, hiểu khách hàng, xu thế thế giới… Còn các công ty Việt Nam như ếch ngồi đáy giếng, nắm thông tin rất kém.
Khách tham quan tại triễn lãm quốc tế thiết bị và công nghệ quảng cáo Việt Nam 2018
Sẽ minh bạch quảng cáo cổ động và thương mại Một số DN cho biết đối với TP.HCM hay các thành phố lớn khác ở những trục cao tốc, đất đường bộ… thấy bảng quảng cáo đặt nhiều dưới danh nghĩa tuyên truyền giao thông. Nhưng sau này hợp thức thành bảng quảng cáo thương mại. Vậy Thông tư 04 không giải quyết được vấn đề này, không biết cơ quan chức năng giải quyết ra sao? Liệu hình thức đó có công bằng không? Bà Đặng Hồng Linh, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết Sở đã có kế hoạch cuối tháng 8 phối hợp Sở khảo sát các bảng giao thông trên địa bàn thành phố mà lấy danh nghĩa là thực hiện cổ động an toàn giao thông nhưng sau đó làm quảng cáo thương mại. Cũng theo bà Linh, trong lúc UBND chưa phê duyệt quy hoạch quảng cáo mà một số DN tranh thủ kết hợp hai ba phương thức quảng cáo thì Sở nắm được thực tế này. Ngoài các DN lớn chấp hành tốt thì vẫn có DN phối hợp với quận, huyện xin “đầu mùa” làm quảng cáo cổ động chính trị nhưng thời gian sau làm quảng cáo thương mại. Theo bà Linh, trung bình một ngày Sở cấp phép quảng cáo 120 bộ hồ sơ, cao điểm là 300 bộ hồ sơ. Điều này cho thấy mật độ xu thế tất yếu quảng bá thương mại trên địa bàn thành phố rất lớn. |