Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng, đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội (QH) về tình hình và kết quả thực hiện nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực công thương.
Tại báo cáo này, bức tranh 12 dự án thua lỗ, yếu kém của ngành công thương cũng đã được nhắc đến.
Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ có dấu hiệu vi phạm.
Theo đó, tính đến nay, trong sáu nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có hai nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi.
Đó là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng ước lãi 147 tỉ đồng và Nhà máy thép Việt-Trung lãi 527 tỉ đồng; bốn dự án còn lại từng bước khắc phục khó khăn (Nhà máy đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình và Công ty DQS).
Trong ba dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đã vận hành; hai dự án còn lại đã xử lý xong các khâu liên quan và sẵn sàng khởi động để vận hành thương mại ngay khi thị trường thuận lợi (dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước).
Đối với ba dự án xây dựng dở dang, ngoài dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho thì dự án Nhà máy sản xuất sinh học Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn do các cổ đông ngoài không góp thêm vốn để tiếp tục triển khai dự án. Cùng đó, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp hợp đồng EPC với tổng thầu là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) và các nhà thầu phụ.
Về xử lý sai phạm, theo báo cáo, đã có bốn dự án, doanh nghiệp được Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an do trong quá trình thanh tra đã phát hiện ra một số dấu hiệu vi phạm pháp luật gồm: Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi; dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên và dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTEX).
Đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã tiến hành khởi tố vụ án cố lý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVTEX, trong đó có các sai phạm liên quan đến dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ; tiếp tục kiến nghị khởi tố tại các dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ, dự án nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình và tổ chức trinh sát, nắm tình hình, điều tra, xác minh thu thập tài liệu để làm rõ các sai phạm (nếu có) tại các dự án, doanh nghiệp khác.
Bộ Công Thương cho biết phần lớn các dự án thua lỗ, yếu kém trên đang có vướng mắc, tranh chấp hợp đồng với các nhà thầu. Một số dự án vẫn tiếp tục gặp phải khó khăn về thị trường tiêu thụ cho sản phẩm đầu ra và nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất. Việc định giá bán nhà máy hiện nay quá cao nên chưa thu hút được các nhà đầu tư tham gia đấu giá.
Từ đó, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp rà soát, đề ra giải pháp, lộ trình xử lý các vướng mắc pháp lý liên quan đến hợp đồng với nhà thầu; quyết toán và xử lý tài sản của các dự án, doanh nghiệp. Từ đó báo cáo Chính phủ trong tháng 12-2018.