Truy trách nhiệm 12 dự án thua lỗ

“Với cơ chế quản lý chồng lấn nên có tình trạng cố tình làm sai, vi phạm, điển hình là 12 dự án thua lỗ kém hiệu quả, trong số này có nhiều dự án phản ánh đúng tình trạng quản lý vốn, quản trị DN yếu kém. Như vậy, không chỉ lãnh đạo các DN này mà cán bộ quản lý bộ, ngành cũng phải chịu trách nhiệm, kể cả hình sự” - Bộ trưởng Công Thương nói khi giải trình trước Quốc hội về vấn đề quản lý tài sản nhà nước và cổ phần hóa DNNN sáng 28-5.

Đồng tình với báo cáo giám sát của Quốc hội về nội dung liên quan tới quản lý vốn nhà nước, người đại diện sở hữu vốn nhà nước, Bộ trưởng Công Thương cho rằng có nhiều tồn tại, yếu kém, trong đó là có yếu tố khách quan nhưng chủ yếu là chủ quan.

Thứ nhất là về thể chế, sự chồng chéo giữa quản lý nhà nước của các bộ, ngành với vai trò quản trị của các DNNN, dẫn tới hiện tượng kép: Hoạt động của DN thiếu tự chủ vì chịu sự can thiệp của cơ quan hành chính; một mặt đội ngũ lãnh đạo DN né tránh trách nhiệm đùn đẩy lên cho cơ quan quản lý hành chính.

Thứ hai, theo ông là hiện tượng vừa đá bóng vừa thổi còi. Hàng loạt chủ trương lớn được phê duyệt bởi các cơ quan nhà nước (hành chính) nên chất lượng dự án đầu tư không đảm bảo hiệu quả.

Có dự án quy mô đầu tư lớn nhưng chất lượng không cao và quá trình thực hiện mất vốn, lãng phí, sai phạm. Phình to của bộ máy, quan liêu hóa DNNN không đáp ứng được diễn biến nhanh của thị trường thế giới.

“Thứ ba, với cơ chế quản lý chồng lấn nên có tình trạng cố tình làm sai, vi phạm, điển hình là 12 dự án thua lỗ kém hiệu quả, trong số này có nhiều dự án phản ánh đúng tình trạng quản lý vốn, quản trị DN yếu kém. Như vậy, không chỉ lãnh đạo các DN này mà cán bộ quản lý bộ, ngành cũng phải chịu trách nhiệm, kể cả hình sự” - ông nhấn mạnh.

Bộ trưởng Công Thương cũng cho rằng cần đẩy nhanh hoàn thiện ủy ban quản lý vốn nhà nước, không phải thoái vốn, bán đi DN hiệu quả để lấy tiền đầu tư vào các lĩnh vực khác không đem lại hiệu quả.

Khi thoái vốn cần lưu ý hiệu quả nhà nước cao nhất, nếu giữ phần vốn quá cao sẽ không đảm bảo gắn với lợi ích phát triển bền vững nhưng nếu tiếp tục duy trì vốn nhà nước ở mức tối thiểu sẽ không đảm bảo lợi ích nhà nước nếu nhà đầu tư mới nắm cổ phần chi phối.

“Chúng tôi xác định: phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành cả về thể chế, pháp lý… để phân định rạch ròi quản lý nhà nước và chủ quản DN. Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý để đảm bảo phát triển bền vững kinh tế trong nước, cam kết hội nhập để DNNN, tư nhân khai thác được cơ hội thị trường” - ông Tuấn Anh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm