'Các địa phương đừng ra Bộ KH&ĐT xin những cái lặt vặt nữa'

(PLO)- Chỉ đạo của Thủ tướng trong nhiều hội nghị cho thấy các nút thắt đang khiến đất nước không phát triển nhanh như mong muốn đã được nhận diện một cách rất cụ thể, rõ ràng...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Công viên Thống Nhất 400, 500 người làm vệ sinh mà vẫn xập xệ. Sao không cho đấu thầu, Nhà nước chả mất gì! Sân vận động Mỹ Đình to như thế mà chả khai thác được, lại trông chờ tiền Nhà nước”. Đây chỉ là hai trong nhiều ví dụ được Thủ tướng nêu ra tại hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ KH&ĐT vào ngày 4-1.

Mục đích của Thủ tướng là làm cho vấn đề chính sách trở nên sinh động, chứ không hẳn là “nói vui” như ông nhiều lần lặp lại trong bài phát biểu.

Điều Thủ tướng luôn nhắc và mong muốn triển khai sau các ví dụ nói trên không chỉ là đẩy mạnh hợp tác công tư (PPP), mà còn ở cả sự chủ động của các cơ quan hữu quan trong phát triển đất nước.

Xuyên suốt bài phát biểu, Thủ tướng đã chỉ ra nhiều “căn bệnh” mang hàm ý là các lực cản của sự phát triển.

Chẳng hạn, khi Thủ tướng đề cập đến vốn cho giao thông vận tải nhiệm kỳ này được bố trí gấp ba lần bình thường, cũng có nghĩa là việc tư vấn, thẩm định các dự án, công trình giao thông phải tăng lên rất nhiều. Ấy vậy mà, Thủ tướng nói “lúc nào cũng Tedi, Tedi…” (Tedi là tên viết tắt của Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - PV). Thủ tướng gợi ý: Sao không có nhiều Tedi hơn, vì chỉ có một Tedi thì tư vấn, thẩm định rất lâu. Sao không có cả tư vấn nước ngoài?

Hay khi đề cập đến phân bổ vốn, lập dự án phát triển, Thủ tướng nói thẳng: Các địa phương đừng ra Bộ KH&ĐT xin những cái lặt vặt, manh mún, dàn trải, mà phải có những dự án lớn, phục vụ cho phát triển không chỉ cho địa phương. Có tỉnh báo cáo đã lập chín dự án, trị giá mấy chục ngàn tỉ đồng. Thủ tướng nói phải làm như thế để thúc đẩy phát triển, liên kết các địa phương và phục vụ phát triển chung cả nước. “Làm cho “ra tấm ra món”” - ông nói.

Thủ tướng biết rất rõ không chỉ mình Bộ KH&ĐT hay một bộ nào khác thực hiện được những định hướng chung ấy, vì ngoài sự phối hợp thì còn phải thiết kế hành lang pháp lý. Thủ tướng lưu ý, chẳng hạn khi làm các nghị định thì các bộ phải nhanh chóng cho ý kiến và phải có quan điểm, chứ không thể cả tháng không có ý kiến. Thủ tướng còn phê phán cả chuyện khi địa phương hỏi thì các bộ trả lời “thực hiện theo quy định của pháp luật”.

Sự chủ động, dám nghĩ, dám làm cũng được đề cập. Chẳng hạn như khi nói về một sân bay, Thủ tướng nói: Lúc nào cũng tài sản công, tài sản công nhưng không ai chịu đánh giá! Nếu các cơ quan liên quan chủ động đánh giá, kiểm định và có quan điểm thì chắc chắn sân bay đã được triển khai theo hướng lưỡng dụng nhanh chóng.

Những phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng trong nhiều hội nghị cho thấy các nút thắt đang khiến đất nước không phát triển nhanh như mong muốn đã được nhận diện một cách rất cụ thể, rõ ràng. Và một khi đã bắt được “bệnh” rõ ràng như vậy, chắc chắn phải có phương thuốc để trị!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm