Bà tôi - một cô giáo ở vùng quê nghèo Cà Mau. Năm 20 tuổi của bà đã phải rời quê hương Thanh Hóa để vào Nam theo hợp đồng công tác giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Minh Hải (giờ là Cà Mau và Bạc Liêu). Hợp đồng chỉ ba năm, nhưng cô giáo xứ Thanh ấy đã ở lại và cống hiến cho giáo dục xứ người đến cuối đời.
Bữa cơm ngày tết do bà tự chuẩn bị cho cả nhà. Ảnh chụp tết năm 2014
Ông Sáu Toàn trong xóm hay kể về bà những ngày đầu đến với vùng quê nghèo còn nhiều bỡ ngỡ. Bà không có người thân, bạn bè, chỉ có những đồng nghiệp mới đêm đêm trông chiếc đèn dầu, miệt mài soạn từng trang giáo án để sớm mai lên lớp dạy học trò.
Ở quê người, bà hoàn toàn lạ lẫm với sông nước. Vì lẽ đó mà bà chỉ đi xe đạp, đi bộ chúc tết bà con hàng xóm. Trước tết dăm ba hôm, bà chạy đôn chạy đáo đổi tiền lẻ để lì xì cho đám trẻ trong xóm, bà vừa chúc vừa rầy tụi nhỏ phải học hành đến nơi đến chốn. Tụi nó gật đầu cảm ơn lia lịa.
Tết đến, bà lại ngồi kể chúng tôi nghe câu chuyện ngày xưa của bà mới vào Nam, một mùa nước lên, đò ngang trường học bị chìm, khi ấy bà chơi vơi giữa dòng nước, may mắn được tụi học trò trong xóm cứu được, không lo chết đuối mà bà chỉ lo mấy cuốn giáo án đang ướt sũng. Học trò thương cô giáo, đứa nào cũng nhảy xuống sông vớt hết mấy cuốn giáo án đem lên cỏ phơi khô từng trang một.
Tết đến, về nhà bà hệt như một cái siêu thị di động mà bà đã chuẩn bị sẵn. Con cháu chỉ việc xúm vào ăn đến hả hê. Học trò của bà về nguồn chúc tết không kể hết, tiếng cười nói rôm rả như hội làng. Bà tôi lúc xưa dạy chữ, về già lại phải dạy nhiều hơn, dạy học trò, con cháu cách sống và làm người tử tế.
Tết đến, gia đình ai cũng về đông đủ, chỉ thiếu bà. Bao lì xì con cháu không còn được trao tận tay bà.
Cái tết thứ 52...Bà lại ăn ở xứ người!