Xem ra có vẻ vô lý nhưng đó là sự thật. Theo báo Anh, tờ The Guardian, nguyên nhân từ những quyết định của chính quyền các TP “cấm” người dân bệnh và chết rất khác nhau.
Không khỏe thì phải… đóng thuế phạt
Lấy ví dụ trường hợp tại ngôi làng nhỏ Sellia với chỉ hơn 500 dân tại vùng Calabria miền Nam nước Ý. Trong thập niên 60 của thế kỷ trước, dân số tại đây đông hơn hiện nay gấp ba lần, mà hiện nay đa số họ đã trên 65 tuổi. Và để ngăn chặn cuộc khủng hoảng dân số học này, vốn đang phổ biến tại nhiều vùng tại miền Nam nước Ý, vào giữa năm nay, ông trưởng làng Davide Zicchinella đã ra chỉ thị cấm người dân đang sinh sống trong làng Sellia không được quyền… ngã bệnh và nhấn mạnh rằng trong làng này “không cho phép chết”.
Ô hay, nếu như việc đưa ra một đạo luật để cấm người dân chết xem ra là hoàn toàn không khả thi chút nào cả thì ông trưởng làng chẳng qua muốn khuyến khích người dân trong làng hãy chăm sóc sức khỏe tốt hơn để kéo dài tuổi thọ, ông tuyên bố: “Những ai không tự lo bảo vệ sức khỏe hoặc phạm những thói quen xấu có hại đến sức khỏe sẽ bị xử phạt bằng các khoản thuế phạt”. Đồng thời, chỉ thị của ông trưởng làng Davide Zichinella cũng đề xuất những khoản thưởng và ưu đãi cho những người thường xuyên quan tâm chăm sóc sức khỏe bản thân. Cuối cùng thì ông trưởng làng cũng vui vẻ nhìn nhận: “Phản ứng của người dân thật đáng khen ngợi, trong vòng một tháng đã có 100 người đăng ký tham gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà chúng tôi cung cấp cho họ”.
Suy cho cùng, chính quyền các TP cấm người dân bệnh và chết cũng là để người dân có ý thức bảo vệ sức khỏe.
Phải ráng sống vì không có chỗ để chôn
Trường hợp của làng Sellia không phải là duy nhất bởi cũng đã có nhiều ngôi làng khác đề ra chủ trương tương tự nhưng vì những lý do khác. Tại xã Sarpourenx thuộc tỉnh Pyrénées-Atlantiques miền Nam nước Pháp, vào năm 2008 ông xã trưởng đã ban hành đạo luật “cấm qua đời khi đang sinh sống trong địa giới hành chính của xã” do nghĩa trang của xã nay đã sắp hết chỗ! Tương tự như trên, tại làng Falciano del Massico của Ý với 3.700 cư dân, nằm cách TP miền Nam Napoli khoảng 50 km, người dân cũng không được chết, do làng không có nghĩa trang mà lại đang có tranh chấp mâu thuẫn với làng bên cạnh có nghĩa trang và trong khi chờ đợi chuyện lùm xùm giữa hai ngôi làng được giải quyết xong thì ông trưởng làng Giulio Cesare ra lệnh buộc dân làng phải ráng sống vì nếu chết đi thì chính quyền địa phương tại đây sẽ… không biết làm sao với người quá cố! Thế nhưng rất tiếc là sau khi chỉ thị được ban hành thì ít lâu sau đó đã có hai người dân không tuân thủ vì đã tự ý… qua đời!
Và còn một lý do cuối cùng khác, theo tạp chí mạng Slate, chính quyền TP Longyearbyen trên đảo Spitsberg của Na Uy cũng khuyến cáo người dân không được chết vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Do thời tiết giá lạnh, tử thi không phân hủy và các chuyên gia đã tìm thấy dấu vết của virus cúm Tây Ban Nha có từ năm 1918.
(Theo The Guardian, Slate)