Cần áp dụng phạt nguội trong xử lý xả rác, tiểu bậy

(PLO)- Hiện nay chưa có quy định cụ thể để giải quyết vướng mắc của việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với đặc thù khó theo dõi và phạt trực tiếp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việc UBND TP.HCM đề nghị dùng camera xử phạt nguội qua hình ảnh đối với người tiểu bậy và xả rác bừa bãi trên địa bàn đem lại nhiều hy vọng giải quyết tình trạng này. Tuy nhiên, vẫn còn đó băn khoăn về việc thực hiện triệt để, rộng khắp.

Trong văn bản gửi Bộ TN&MT, TP.HCM đề xuất cho phép chính quyền các cấp được sử dụng camera, camera giao thông, camera giám sát an ninh trật tự để phát hiện các hành vi xả rác, tiểu tiện sai nơi quy định. Cơ quan chức năng được sử dụng những hình ảnh vi phạm vệ sinh nơi công cộng từ camera để làm căn cứ xử phạt.

Cơ chế này dự kiến được đưa vào nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội. Vì sao một biện pháp xử lý tưởng như thông thường lại phải đưa vào diện cơ chế đặc thù?

Bởi vì hiện nay chưa có quy định cụ thể để giải quyết vướng mắc của việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với đặc thù khó theo dõi và phạt trực tiếp. Ngay như Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng chưa quy định về phạt nguội đối với hành vi này.

Ngược dòng thời gian, đây không phải lần đầu tiên TP.HCM có hành động hướng tới ngăn chặn phóng uế, xả rác bừa bãi, ảnh hưởng xấu đến vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.

Năm 2003, khi UBND TP.HCM triển khai quyết định xử phạt vi phạm hành chính vệ sinh và môi trường, nhiều ý kiến đánh giá đây là hành động mạnh mẽ. Trong quá trình thực hiện, các tổ công tác gặp một số vấn đề không dễ giải quyết như lực lượng mỏng, chỉ có thể kiểm tra đột xuất, khó theo dõi và xử lý thường xuyên.

Một số người bị bắt quả tang phóng uế bừa bãi nơi công cộng nhưng không có giấy tờ tùy thân, không đem theo tiền để đóng phạt. Có những địa phương đã xử lý linh hoạt như yêu cầu người vi phạm vào nhà người dân gần đó mượn xô, chậu, xin nước để rửa nơi mình phóng uế.

Sau đó mấy năm liền, TP.HCM chọn chủ đề năm “Văn minh đô thị” với một trong những nhiệm vụ trọng tâm là cải thiện vệ sinh môi trường.

Năm 2018, UBND TP.HCM cũng đã chỉ đạo các ngành, địa phương dùng hình ảnh trích xuất từ camera an ninh, camera giao thông để lập biên bản và xử phạt nguội đối với hành vi xả rác bừa bãi, tiểu bậy.

Cần ghi nhận những nỗ lực của TP.HCM trong việc cải thiện vệ sinh môi trường nhưng không thể phủ nhận thực trạng xả rác, phóng uế tùy tiện vẫn là nỗi nhức nhối, là một rào cản trên hành trình xây dựng đô thị văn minh.

Khó khăn về lực lượng và cơ chế xử lý như năm 2003 vẫn tồn tại cho đến bây giờ. Sau từng ấy năm, công nghệ phát triển hơn, điều kiện vật chất tốt hơn, việc lắp đặt camera có thể được đẩy mạnh để thay thế con người. Nhưng không nên chờ đến khi có nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, cơ chế phạt nguội cần được thông qua và triển khai nhanh chóng.

Cơ chế phạt nguội sẽ bớt đi việc phải tìm giải pháp tình thế như yêu cầu người vi phạm xin nước rửa chỗ phóng uế. Cơ chế phạt nguội sẽ khiến các địa phương có động lực mạnh để thúc đẩy lắp đặt camera triệt để như một lực lượng đông đảo giám sát mọi lúc, mọi nơi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm