Nóng trong tuần

Cần cảnh giác bẫy 'việc nhẹ lương cao'

(PLO)- Người trong cuộc bỏ trốn về từ casino ở Campuchia chia sẻ câu chuyện kinh hoàng của mình và mong mọi người cảnh giác với bẫy “việc nhẹ lương cao”…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tuần qua, những bài viết liên quan đến thông tin đưa người qua Campuchia làm việc theo lời hứa “việc nhẹ lương cao” đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc.

Các bài viết có thể kể đến như: 60 người Việt tháo chạy khỏi Campuchia, Việt Nam đề nghị can thiệp, giải cứu”, “Điều tra: Thâm nhập đường dây đưa người vượt biên qua Campuchia”, “Khởi tố vụ đưa người vượt biên từ tin báo của Pháp Luật TP.HCM”…

Một số bạn đọc cho rằng mọi người cần cảnh giác trước những lời dụ dỗ của kẻ xấu và không có chuyện việc nhẹ, lương cao đến một cách dễ dàng như vậy. Có bạn đọc còn chia sẻ câu chuyện của mình đến báo, mong đây là bài học cảnh giác cho mọi người.

Điều tra của báo Pháp Luật TP.HCM và các bài báo có thông tin liên quan đến việc đưa người qua Campuchia làm “việc nhẹ lương cao” trong tuần qua.

Điều tra của báo Pháp Luật TP.HCM và các bài báo có thông tin liên quan đến việc đưa người qua Campuchia làm “việc nhẹ lương cao” trong tuần qua.

Mang nợ vì tin lời “việc nhẹ lương cao”

Từng là nạn nhân bị lừa sang Campuchia với chiêu “việc nhẹ lương cao”, anh H ở tỉnh Quảng Nam kể:

Tháng 6-2021, anh đang thất nghiệp, lướt Facebook thì thấy thông tin tuyển dụng lao động nước ngoài. Anh nhấp vào thì có một tài khoản Facebook nhắn tin giới thiệu công việc bên Campuchia. Công việc rất nhẹ nhàng, anh chỉ cần biết gõ máy tính trung bình 40 từ/phút, lương cơ bản 750 USD, nếu làm tốt sẽ nhận 900 USD/tháng và được bao ăn ở.

Tin lời, anh đón xe đến Bến xe Miền Tây gặp một người hướng dẫn anh sang Campuchia bằng cách vượt biên băng qua đường ruộng.

Sang Campuchia, anh H được bố trí công việc là tìm khách cho sòng bài online, công ty phát mỗi người một máy tính có mười mấy cái app rồi giả làm người chơi, người kéo khách, dụ dỗ khách nạp tiền vô chơi, mà nạp bao nhiêu người chơi sẽ mất bấy nhiêu, dù ăn hay thua cũng không được rút. Làm từ 10 giờ sáng đến 22 giờ đêm, được nghỉ trưa 30 phút.

Phòng làm việc có hơn 20 người ngồi đối diện nhau, có camera giám sát, ai mà có thái độ chống đối hoặc làm không đủ chỉ tiêu là bị lôi vô phòng đánh đập dã man. Bản thân anh cũng từng bị đánh rất nhiều.

Anh H chia sẻ: “Làm được 10 ngày chịu hết nổi, tôi liên hệ gia đình chuộc về, bọn người này yêu cầu 45 triệu đồng tiền đi đường, còn tiền chuộc là riêng. Nhà tôi sau khi nghe tin đi vay mượn để đưa tụi nó 45 triệu đồng. Sau khi nhận được tiền tụi nó nhốt tôi vào phòng riêng, vì đợt đó dịch chưa thể đưa tôi về được. Sau hai tháng, đêm đó tôi quyết định trốn về Việt Nam. Sự việc xảy ra quả là rất khủng khiếp với tôi. Từ bài học nhớ đời khi ham việc nhẹ lương cao, tôi hay chia sẻ nhắn tin khuyên những người Việt Nam trong mấy hội nhóm trên Facebook nên bỏ ý định qua đó làm. Tôi muốn kể câu chuyện kinh hoàng của mình mong mọi người lấy đó làm bài học, không bao giờ có cái gọi là việc nhẹ lương cao”.

“Tôi muốn kể câu chuyện kinh hoàng của mình mong mọi người lấy đó làm bài học, không bao giờ có cái gọi là việc nhẹ lương cao.”

Anh H, người đã trốn chạy khỏi một casino ở Campuchia

Nên hỗ trợ việc làm cho người lao động

Với những chia sẻ của người trong cuộc bị vỡ mộng khi đi tìm “việc nhẹ lương cao”, một số bạn đọc bình luận bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương nên có những chính sách để hỗ trợ người dân có nguyện vọng đi lao động được tìm việc, ổn định cuộc sống.

“Nhu cầu tìm việc làm và có thu nhập tốt là nguyện vọng chính đáng của người dân. Chính vì thế, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nên có chính sách hỗ trợ ngoài việc mở các kênh tìm việc. Đồng thời, cũng cần tuyên truyền, khuyến cáo người dân cảnh giác trước nạn buôn người, lừa người dân tìm việc làm dưới chiêu trò “việc nhẹ lương cao”. Những người trẻ cần lưu ý rằng để có công việc tốt thì chúng ta cần phải nỗ lực phấn đấu học tập chứ không có chuyện người không có trình độ mà xin được việc lương cao” - bạn đọc Nguyễn Nam.

“Các địa phương nên có kế hoạch tuyên truyền, giáo dục cho các bạn trẻ biết cuộc sống không bao giờ có chuyện dễ dàng việc nhẹ lương cao, không có cái lợi gì mà cho không, biếu không. Nếu không cẩn thận tìm hiểu công việc rõ ràng thì các bạn trẻ rất dễ sa vào bẫy của bọn lừa đảo. Lúc ấy không có tiền mang về nhà mà có khi mất cả mạng” - bạn đọc Thanh Hồng.

“Để giải quyết tình trạng lừa lao động thì Công an Việt Nam cần phối hợp với cơ quan cảnh sát Campuchia thực hiện việc giải cứu những nạn nhân Việt Nam còn lại trên đất Campuchia. Đồng thời, cơ quan công an cần tổ chức nhiều chuyên án bắt bọn buôn người, tiến hành bắt giữ, xử lý theo định pháp luật” - bạn đọc Trần Anh.•

Ông NGUYỄN VĂN SANG, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Niên TP.HCM:

TP.HCM có nhiều chương trình hỗ trợ việc làm

Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Niên hiện có chín văn phòng được bố trí ở một số bến xe lớn như Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây, Bến xe Ngã Tư Ga và Bến xe An Sương… Khi người lao động (NLĐ) từ tỉnh lên TP.HCM tại các bến đỗ này thì có thể dễ dàng liên hệ trực tiếp văn phòng của trung tâm để tư vấn hỗ trợ về việc làm cũng như hướng dẫn đường đi. Tại đây, NLĐ còn được cung cấp một số kỹ năng phỏng vấn tìm việc.

Trung tâm có web, app siêu thị việc làm để NLĐ tiện lợi trong việc cập nhật thông tin. NLĐ chỉ cần truy cập vào đường link https://sieuthivieclam.vn để theo dõi những công việc cập nhật hằng ngày, hằng giờ. Đặc biệt, app có thêm phần thông tin từ người đại diện doanh nghiệp để NLĐ có thể liên hệ trực tiếp. Ngoài ra, trung tâm còn kết nối NLĐ với doanh nghiệp để phỏng vấn trực tuyến.

Có thể nói hiện nay tại TP.HCM không thiếu việc làm nhưng quan trọng là NLĐ có quyết tâm tập trung, đeo đuổi, gắn bó với công việc thì mới phát triển được. Chúng ta nên hiểu rằng những công việc có tiền nhanh, dễ dàng thì công việc đó sẽ không được bền lâu.

NGUYỄN HIỀN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm