Thời gian qua, hàng nghìn người lao động bị nợ BHXH do doanh nghiệp phá sản, có chủ bỏ trốn.
Để bảo vệ người lao động, dự thảo Luật BHXH đã bổ sung một số quy định nhằm tìm lối ra cho họ. Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng quy định như dự luật sẽ “gây bức xúc lớn hơn”.
Cho phép đóng đến đâu hưởng đến đó
Theo BHXH Việt Nam, đến ngày 31-12-2021 có khoảng 26.670 đơn vị với khoảng 206.468 người lao động tại các đơn vị phá sản, đang làm thủ tục giải thể, phá sản; đơn vị ngừng hoạt động và không có người đại diện theo pháp luật.
Số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của các đơn vị trên lên đến 2.262 tỉ đồng và 914 tỉ đồng tiền lãi chậm đóng.
Sự việc trên khiến hàng nghìn người lao động không thể chốt sổ bảo hiểm để hưởng lương hưu hoặc tiếp tục tham gia BHXH ở nơi mới.
Để giải quyết vấn đề này, BHXH Việt Nam đã thực hiện theo hướng người lao động có đủ điều kiện theo quy định trên sổ sẽ được nhận các chế độ lương hưu, BHXH một lần, tử tuất. Cơ quan bảo hiểm xác nhận thời gian đã đóng BHXH để người lao động tiếp tục tham gia BHXH tại đơn vị mới hoặc bảo lưu thời gian đã đóng BHXH.
Tuy vậy, theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, cách làm trên chỉ là phương án tạm thời, đóng BHXH đến đâu được hưởng đến đó. Còn quyền lợi tiếp theo do người lao động bị ngắt quãng đóng BHXH là rất khó trong xử lý.
Chính vì vậy, trong dự thảo Luật BHXH, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH của doanh nghiệp.
Số tiền chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT hiện trên 13.000 tỉ đồng (bình quân trong 1-2 năm qua), gồm cả tiền chậm và lãi. 60-80% trong số đó thuộc về nhóm doanh nghiệp tư nhân. (Theo Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TB&XH)
Thêm vào đó, dự luật cũng có “cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động”. Trong đó, cho phép cơ quan BHXH xác nhận thời gian tham gia BHXH của người lao động và giải quyết các chế độ theo thời gian thực đóng trên sổ BHXH, nếu cơ quan bảo hiểm thu được tiền từ doanh nghiệp sẽ đóng bù cho người lao động sau đó.
Trường hợp người cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn; thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng đã đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng BHXH và không tự đóng theo quy định được lựa chọn hưởng lương hưu trên cơ sở tạm tính mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho thời gian bị chậm đóng, trốn đóng BHXH. Mức hưởng thấp nhất của nhóm này bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng của vùng thấp nhất được áp dụng tại thời điểm đóng.
Cần dùng quỹ khác để hỗ trợ người lao động
Góp ý cho dự luật vào giữa kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV vừa qua, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đánh giá: Việc bổ sung quy định hỗ trợ cho người lao động bị nợ BHXH là hết sức cần thiết, thể hiện tính nhân văn của chính sách, góp phần củng cố niềm tin của người tham gia BHXH.
Tuy nhiên, đại diện người lao động cũng đề nghị cần nghiên cứu, xem xét thêm về đề xuất trong dự thảo: Người lao động được lựa chọn nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không bao gồm số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số ngày, số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hàng tháng hoặc BHXH 1 lần cho thời gian đã được xác nhận.
Lý do, việc người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH đã khiến người lao động bị treo quyền lợi. Nếu quy định như dự luật có thể sẽ gây bức xúc lớn hơn, phản ứng tiêu cực mạnh hơn từ phía người lao động và dư luận xã hội.
Từ đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị cần dành một nguồn quỹ dự phòng để hỗ trợ người lao động trong trường hợp này. Nguồn quỹ có thể được trích từ lãi suất tiền gửi hoặc lợi nhuận từ đầu tư quỹ BHXH.
“Không nên quy định người lao động lựa chọn nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất để được hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hàng tháng hoặc hưởng BHXH 1 lần…”- Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam kiến nghị.
Còn theo Bộ LĐ-TB&XH, sở dĩ dự luật không đề xuất lấy ngân sách hoặc tiền lãi đầu tư quỹ BHXH để giải quyết quyền lợi cho người lao động là do tiền đóng vào quỹ là của hàng triệu người lao động và sử dụng vào mục đích tăng lương hưu, trợ cấp... Ban soạn thảo không đề xuất biện pháp này bởi nó có thể thành công cụ để chủ doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH với tâm lý đã có ngân sách hoặc tiền quỹ lo.
Sau khi công ty TNHH Xây dựng kỹ thuật và công nghệ Lam Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) phá sản, tôi phát hiện bị công ty chậm đóng BHXH đến 173 tháng (từ đầu năm 2008 đến tháng 3-2022) với tổng số tiền hơn 31 triệu đồng.
Việc công ty nợ sổ BHXH đã gây rất nhiều khó khăn cho tôi khi tham gia đóng mới, đồng thời còn kéo lùi thời gian tham gia BHXH gần 15 năm trời… (Chị LKT)