Ngày 22-5, UBND TP Cần Thơ đã có cuộc họp với các sở ngành lấy ý kiến về nội dung Tờ trình đề nghị HĐND TP ban hành Nghị quyết về quy định mức học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2019-2020.
Theo đó, UBND thành phố đề nghị Thường trực HĐND thành phố xem xét thống nhất tăng mức học phí 3,9% đối với các chương trình giáo dục đại trà bậc học mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2019-2020 so với mức học phí năm học 2018-2019 (trong khung quy định của Ban Chỉ đạo điều hành giá về mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%, trong khoảng từ 3,3% đến 3,9%). Cũng theo UBND thành phố mức tăng 3,9% gần với mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng năm 2018 là 4,3%.
Cụ thể, mức học phí năm học 2018 – 2019 bậc học mầm non ở quận là 71.000 đồng/tháng/học sinh (HS) và ở huyện là 32.000 đồng/tháng/HS. Bậc trung học cơ sở ở quận là 65.000 đồng/tháng/HS và ở huyện là 33.000 đồng/tháng/HS. Bậc trung học phổ thông ở quận là 75.000 đồng/tháng/HS và ở huyện là 43.000 đồng/tháng/HS.
Mức học phí đề nghị tăng ở bậc mầm non ở quận là 74.000 đồng/tháng/HS và ở huyện là 33.000 đồng/tháng/HS. Cấp Trung học cơ sở ở quận là 68.000 đồng/tháng/HS và ở huyện là 34.000 đồng/tháng/HS. Cấp Trung học phổ thông ở quận là 78.000 đồng/tháng/HS và ở huyện 45.000 đồng/tháng/HS.
Như vậy mức học phí đề nghị tăng từ 1.000 đến 3.000 đồng/tháng/HS tùy cấp bậc, quận, huyện.
Dự kiến, UBND TP Cần Thơ sẽ trình thông qua Nghị quyết tại kỳ họp giữa năm 2019 của HĐND thành phố.
Tại buổi họp hôm nay, đại diện các sở ngành cũng như đại diện HĐND thành phố đề nghị đơn vị ban hành dự thảo nghiên cứu bổ sung tính cần thiết của việc tăng học phí và mức tăng phù hợp với điều kiện xã hội thực tế. Bởi thời gian gần đây giá điện, nước tăng nay lại đến học phí cũng tăng thì sẽ vấp phải phản ứng của dư luận.
Trong khi đó, đại diện Sở Tư pháp có ý kiến cho rằng cần thiết phải lấy kiến cộng đồng về mức tăng mà cụ thể là ý kiến của đối tượng phải nộp phí.
Đại diện các sở ngành đóng góp ý kiến về việc tăng học phí.
Còn đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội băn khoăn việc nghị quyết thông qua sẽ không phù hợp với Luật giáo dục sửa đổi bổ sung. Bởi theo Điều 97 về học phí của Luật giáo dục sửa đổi “Trẻ em mầm non năm tuổi, học sinh tiểu học, trung học cơ sở công lập không phải nộp học phí. Nhà nước đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động để thực hiện phổ cập giáo dục”.
Kết luận tại buổi họp, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh thống nhất với các ý kiến của các đơn vị trình bày. “Việc tăng học phí là theo lộ trình. Con số 3,9% mà chúng ta đưa ra là phù hợp chỉ số tiêu dùng, dưới chỉ số lạm phát. Tuy nhiên, chúng ta phải tính toán con số lại thật kỹ, phải làm tròn xuống không thể áp dụng máy móc theo số cơ học. Bởi mức tăng phải hòa hợp với điều kiện kinh tế xã hội, khả năng đóng của người dân, làm sao đủ điều kiện để tất cả các em đều được đến trường. Đối với chúng ta thì việc tăng 1.000 đồng không là gì nhưng đối với người dân nông thôn là cao và có thể các em sẽ không được đi học. Không vượt chỉ số giá là rất tốt nhưng phải phù hợp và được sự đồng thuận cao của xã hội”, bà Ánh phân tích.
Do đó, Phó Chủ tịch UBND TP thống nhất giao cho Mặt trận tổ quốc làm thêm quy trình lấy ý kiến của đối tượng tác động là người nộp học phí. Sở Kế hoạch đầu tư và Sở Tài chính sớm cung cấp thông tin về chỉ số giá. Đồng thời hỗ trợ Sở Giáo dục và Đào tạo về đánh giá tác động kinh tế xã hội khi thay đổi học phí và các giải pháp đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kinh tế xã hội vào cuối năm.