Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đang lấy ý kiến các sở GTVT về việc sửa đổi nội dung, tăng số câu hỏi sát hạch lý thuyết lái xe. Việc này được kỳ vọng nâng cao chất lượng đào tạo lái xe, hạn chế các sai sót của tài xế khi xử lý các tình huống trên đường. Tuy nhiên, phản ánh từ một số cơ sở đào tạo và sát hạch lái xe cho thấy một số nội dung câu hỏi và thiết bị mô phỏng chưa sát thực tế, có thể gây khó cho cả cơ sở đào tạo lái xe lẫn người học.
Tăng lên 600 câu hỏi
Từ đầu năm 2018, Tổng cục ĐBVN đã tính đến việc tăng số câu hỏi thi sát hạch lý thuyết lấy bằng lái xe các hạng từ 450 câu hiện hữu lên 500 câu và dự kiến ban hành vào tháng 7-2018. Mới đây, tại TP Cần Thơ, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐBVN, cho biết số câu hỏi dự định sẽ tăng lên 600 và sau khi lấy ý kiến các sở GTVT sẽ ban hành, thực hiện từ quý I-2019.
Kết cấu của bộ 600 câu hỏi mới được xây dựng trên cơ sở bộ 450 câu hỏi cũ và bổ sung 150 câu hỏi mới. Trong 150 câu hỏi mới này có 100 câu liên quan đến sa hình, đường sắt, biển báo mới và khoảng 10 câu về kỹ thuật lái xe liên quan đến kỹ năng xử lý tình huống trên đường cao tốc, đường trơn trượt, đường có băng tuyết... Đặc biệt, có 50 câu bắt buộc phải trả lời đúng như cấm đua xe, cấm uống rượu bia rồi lái xe, cấm chạy quá tốc độ, cấm chạy xe vào làn khẩn cấp trên đường cao tốc, ứng xử khi đang lái xe mà buồn ngủ…
Theo bà Hiền, 50 câu hỏi bắt buộc trả lời đúng được chọn ra, đưa vào mỗi bài thi 1-3 câu. Đây là các câu hỏi về những lỗi liên quan đến một số tình huống mất an toàn giao thông gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian gần đây. Như các lỗi lùi xe hoặc đi vào làn dừng khẩn cấp trên đường cao tốc, vượt đèn vàng-đỏ ở điểm giao cắt với đường sắt…
Ông Trịnh Văn Minh, Phó Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe (Sở GTVT TP.HCM), diễn giải thêm 50 câu hỏi này sẽ có điểm liệt. “Nếu thí sinh trả lời không đúng 1/50 câu hỏi này thì bài thi coi như… rớt!” - ông Minh cho biết.
Theo các cán bộ đào tạo lái xe, thay vì chú trọng tăng lý thuyết thì nên tăng thêm giờ học thực hành. Ảnh: LƯU ĐỨC
Khó lấy bằng
Theo ông Nguyễn Đình Nguyên, cán bộ đào tạo Trung tâm Sát hạch lái xe Củ Chi (thuộc Trường Lái xe Tiến Bộ), với cơ cấu nội dung số câu hỏi, thời gian, số câu đạt tăng lên thì việc thi lên bằng càng cao sẽ càng khó. “Ví dụ, với các hạng bằng D, E và F, số câu hỏi tăng thêm 15 nhưng thời gian làm bài chỉ thêm năm phút. Vì thế người học phải thuộc bài nằm lòng mới có thể thi đạt các bằng hạng cao này” - ông Nguyên nhận xét.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Sát hạch lái xe Hoàng Gia (Bình Chánh), bộ 600 câu hỏi mới sẽ buộc các trường, cơ sở đào tạo sát hạch phải tăng thêm thời gian dạy lên 1/4-1/3. “Như vậy đồng nghĩa sẽ phải tăng học phí lên, đây là điều đáng suy nghĩ với các trường và với cả người theo học” - ông Long nói.
Học lý thuyết: Chỉ một hình thức tập trung
Cùng với bộ đề 600 câu hỏi, Tổng cục ĐBVN cũng đang chuẩn bị trình Bộ GTVT ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12/2017 quy định về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.
Theo đó, điểm mới của Thông tư 12 là quy định việc học lý thuyết phải tập trung. Góp ý quy định này, ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, bày tỏ: “Hiện nay có thể học thạc sĩ, tiến sĩ từ xa, qua mạng. Trong khi quy định học lấy bằng lái xe phải tập trung thì… quá cứng nhắc về thời gian”. Bằng văn bản mới đây gửi Bộ GTVT, ông Lâm ký thay giám đốc Sở GTVT TP cho rằng nên có nhiều phương thức đào tạo, học lý thuyết lái xe tập trung, không tập trung và từ xa. Việc này phù hợp với chủ trương đa dạng các hình thức đào tạo hiện nay cũng như khuyến khích các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong đào tạo.
Bộ 600 câu hỏi và Thông tư 12 sửa đổi sẽ được ban hành đồng bộ vào quý I-2019 để thực hiện Nghị định 138/2018/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo, sát hạch lái xe đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2018. Ông NGÔ ĐÌNH QUANG, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe (Sở GTVT TP) |
Một điểm mới khác của Thông tư 12 là quy định trường dạy lái xe phải có thiết bị mô phỏng tập lái xe. Được biết một bộ thiết bị mô phỏng gồm “xe”, màn hình, đường truyền chấm điểm… có giá từ 600 triệu đến 1 tỉ đồng.
Theo ông Trịnh Văn Minh, đến nay chưa có quy chuẩn (TCVN) đối với loại thiết bị này và cũng chưa có quy định cụ thể mỗi cơ sở phải trang bị bao nhiêu thiết bị, bởi vậy Bộ GTVT cần có hướng dẫn cụ thể, nếu không sẽ gây khó cho các trường dạy lái xe.
Còn ông Nguyễn Hoàng Long thì cho rằng tại sao không quy định cơ sở đào tạo phải tăng thêm số đầu xe tập nguội, tập nóng, tập trên đường trường mà lại phải đầu tư vào thiết bị ảo, e lãng phí mà không thiết thực.
Tới đây, Thông tư 12 cũng quy định các cơ sở đào tạo phải có giáo viên đạt trình độ trung cấp chuyên ngành luật. Theo ông Nguyễn Đình Nguyên, hiện nay hệ thống giáo dục đại học Việt Nam chỉ đào tạo cử nhân luật, không còn đào tạo trình độ trung cấp.
Số câu hỏi tăng theo hạng bằng lái Với bộ 450 câu hỏi sát hạch như lâu nay, việc thi ở các hạng bằng lái xe đều có số câu hỏi như nhau (30 câu), số câu trả lời đạt như nhau (26/30 câu) và thời gian thi là 18-20 phút. Tuy nhiên, với bộ 600 câu hỏi mới thì số câu hỏi, số câu đạt và thời gian thi được tăng dần cho từng hạng bằng lái xe. Cụ thể, thi bằng lái hạng B1: Số câu hỏi là 30, số câu đạt 26/30, thời gian 18 phút; hạng B2: Số câu hỏi 36, số câu đạt 32/36, thời gian 20 phút; hạng C: Số câu hỏi 40, số câu đạt 36/40, thời gian 22 phút; hạng D, E và F: Số câu hỏi 45, số câu đạt 40/45, thời gian 25 phút. |