Ngày 7-5, UBND TP Cần Thơ đã có buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố về kết quả tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV.
Cần Thơ họp về kết quả tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Ưu tiên đầu tư 5 dự án trọng điểm
Theo báo cáo, từ ngày 17-4 đến 6-5, Đoàn ĐBQH đã tiếp nhận được 22 văn bản của các cơ quan, đơn vị và địa phương tổng hợp, phản ánh kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Theo đó, cử tri đồng tình và đánh giá cao các chủ trương, giải pháp chủ động, tích cực và hiệu quả của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch COVID-19; nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến phức tạp... Nhiều cử tri bày tỏ sự lo lắng về các vấn đề như: tình hình Biển Đông, thiên tai.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh đã nêu một số đề xuất: sửa đổi, bổ sung luật, chính sách đầu tư… và kiến nghị Trung ương giải quyết một số vấn đề của thành phố.
Theo đó, Cần Thơ kiến nghị Bộ GTVT và Bộ GD&ĐT xem xét, tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và ưu tiên đầu tư 5 dự án trên địa bàn thành phố theo Nghị định 103/2018 của Chính phủ.
Các dự án gồm: Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; tuyến đường sắt TP.HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ; tuyến quốc lộ 91 với đường Nam sông Hậu (quốc lộ 91C); nâng cấp, mở rộng quốc lộ 91 đoạn từ Km0 đến Km07; nâng cấp đường vào Khu công nghiệp phía nam và cảng Cái Cui (giai đoạn II đoạn từ ngã năm cầu Cần Thơ đến cảng Cái Cui) và dự án nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ thành trường đại học trọng điểm quốc gia theo hướng đa ngành.
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh nêu một số kiến nghị của thành phố sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 9 sắp tới. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Cần Thơ cũng đề nghị một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố. Kiến nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ thành phố đầu tư xây dựng các dự án kè chống sạt lở bờ sông trọng điểm, khẩn cấp với tổng số vốn 570 tỉ đồng…
Kiến nghị sửa đổi quy định tặng cho đất nông nghiệp
Ngoài ra, UBND thành phố còn kiến nghị Chính phủ xem xét, bổ sung quy định để làm rõ nguyên tắc, điều kiện áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đối với đất hỗn hợp.
Bởi, theo quy định của Luật Đất đai, khi giao đất sạch cho nhà đầu tư phải tiến hành đấu giá, theo quy định của Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở thì thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đối với đất chưa thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đối với đất hỗn hợp bao gồm đất chưa thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và đất công (đất sạch) khi thực hiện dự án sẽ gặp khó khăn trong việc áp dụng hai hình thức đấu giá và đấu thầu.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện mô hình liên kết vùng. Trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp, tạo điều kiện để phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của vùng.
Cần khắc phục tình trạng liên kết rời rạc, các địa phương tự cạnh tranh với nhau, góp phần từng bước xây dựng thương hiệu các sản phẩm của địa phương, của vùng và của quốc gia đảm bảo đủ sức cạnh tranh với khu vực, thế giới.
Cử tri Cần Thơ kiến nghị Bộ TN&MT tham mưu Chính phủ có giải pháp xử lý tình trạng lợi dụng chính sách miễn, giảm tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất để trục lợi, gây thất thu cho ngân sách nhà nước xảy ra ở một số địa phương.
Cử tri Cần Thơ đề nghị Bộ TN&MT nghiên cứu, tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 theo hướng sửa đổi quy định về tặng cho đất nông nghiệp; bổ sung quy định cụ thể về quy hoạch và hạn mức sử dụng đất của cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng để phù hợp với thực tiễn.
Điều hành xuất khẩu phải có lộ trình Báo cáo tại buổi họp, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ Nguyễn Minh Toại thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố vừa qua. Theo ông Toại, thời gian qua, những khó khăn mà thành phố phải đối mặt trong tháng 4 là cực kỳ lớn. Do ảnh hưởng dịch COVID-19, đến nay đã có 80% các nhà hàng, khách sạn, quán rượu bia phải đóng cửa, trả mặt bằng do không có điều kiện tiếp tục quay trở lại hoạt động. Về xuất khẩu gạo, theo giám đốc Sở Công Thương, lệnh ngừng xuất khẩu gạo đột ngột vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp về tài chính và cả uy tín. Đại diện Sở Công Thương đề xuất Đoàn ĐBQH kiến nghị Chính phủ xem xét, đánh giá lại toàn diện tình hình thiệt hại của cả nước do việc ngưng xuất khẩu đột ngột vừa qua. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ thực hiện việc điều hành xuất khẩu phải có lộ tình (thời gian từ 30 đến 45 ngày) để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, thương lượng với đối tác chứ không đột ngột như vừa qua. |