Cần tiếp tục chính sách giảm thuế xăng dầu, VAT

(PLO)- Chính phủ cần tiếp tục miễn giảm và gia hạn một số khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất... để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong lúc họ đang gặp khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ ngày 1-1-2023 tới đây, nhiều chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân sẽ kết thúc. Trong đó có thể kể đến như giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, tiền thuế và tiền thuê đất...

Nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế năm 2023 tiếp tục đối diện với nhiều thách thức, nhất là các DN đang gặp khó về đầu vào lẫn đầu ra thì Chính phủ cần tiếp tục kéo dài các chính sách này trong năm tới.

Người dân cần tiếp tục được hỗ trợ giảm thuế VAT 2%. Ảnh: TÚ UYÊN

Người dân cần tiếp tục được hỗ trợ giảm thuế VAT 2%. Ảnh: TÚ UYÊN

Kéo dài thời gian giảm thuế là hợp lý

Để hỗ trợ người dân và DN trong lúc khó khăn, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022 quy định giảm 2% thuế VAT đối với hầu hết các nhóm hàng hóa, dịch vụ trong năm 2022. Đây được xem là một quyết sách kịp thời hỗ trợ người dân, DN vượt qua thách thức trong và sau dịch COVID-19. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 chính sách này hết hiệu lực, nghĩa là thuế VAT sẽ tăng 2%, từ mức 8% hiện nay lên 10%.

Chính vì vậy, hàng loạt DN, hiệp hội vừa có công văn gửi Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục gia hạn chính sách giảm thuế VAT 2% tới hết năm 2023, thay vì kết thúc vào cuối năm nay. Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Agrex Sài Gòn, nhấn mạnh việc giảm thuế VAT sẽ góp phần kích thích tiêu dùng, cứu nhà sản xuất, đồng thời tạo công ăn việc làm, giúp kinh tế tăng trưởng. Đây là chính sách cần thiết nhằm vực dậy nền kinh tế đang khó khăn do vẫn chịu tác động của dịch COVID-19, lạm phát toàn cầu.

“Không chỉ thiếu đơn hàng, các DN hiện giờ phải đối mặt với khó khăn chưa từng có trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do thiếu vốn, lãi suất cao. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng do dòng tiền của các DN đã cạn kiệt. Vì vậy, cần tiếp tục có những chính sách tiếp sức cho DN cả về thuế, phí như gia hạn nộp các tiền thuê đất, tiền nộp các quỹ… để DN ổn định sản xuất, có sức phục hồi” - ông Long chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa thuộc Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA), cho rằng thuế VAT đánh trên toàn bộ mặt hàng từ sản xuất đến tiêu dùng. Vì vậy việc giảm thuế VAT sẽ giúp kéo giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ từ bao gạo, ký thịt, mớ rau đến quần áo, xăng dầu, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi...

Đặc biệt, việc giảm thuế VAT sẽ khuyến khích người dân tiêu dùng, mua sắm, nhất là dịp lễ, tết đang đến gần. Vì vậy, ông Nghĩa cho rằng cần kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết năm 2023 là hợp lý, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh sôi động hơn.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét gia hạn chính sách giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2023. Bởi hiện nay áp lực lãi suất tăng nhanh, thanh khoản hệ thống ngân hàng trở nên căng thẳng. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển tăng cao; nhiều DN bị cắt giảm đơn hàng, giảm công suất… Vì vậy giảm thuế VAT tiếp tục giúp DN đảm bảo đủ nguồn cung, giá cả bình ổn, người tiêu dùng hưởng lợi.

Giảm thuế VAT sẽ giảm được gánh nặng cho DN, giảm giá thành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Giữ giá xăng dầu, kiểm soát lạm phát

Bên cạnh việc đồng loạt kiến nghị kéo dài giảm thuế VAT 2%, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần gia hạn chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong năm tới. Bởi nếu không được gia hạn thì từ đầu năm sau, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sẽ tăng 3.000 đồng/lít, dầu sẽ tăng 2.000 đồng/lít diesel… so với hiện nay. Đây là cú sốc rất mạnh cho thị trường xăng dầu.

Ông Bùi Danh Liên, Giám đốc HTX vận tải Thăng Long, nhìn nhận: Từ tháng 4-2022, khi giảm thuế bảo vệ môi trường đã góp phần ổn định giá xăng dầu. Hiện nay trong bối cảnh tình hình thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo theo nhiều khả năng trong thời gian tới giá xăng dầu vẫn sẽ biến động khó lường, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đến sự ổn định kinh tế - xã hội cũng như tác động đến thị trường xăng dầu trong nước.

Vì vậy, nếu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn tăng trở lại từ mức sàn về mức trần từ tháng 1-2023, thời điểm gần tết Nguyên đán sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, việc tăng thuế trở lại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN cũng như giá vé mùa tết.

“Do đó, tôi cho rằng cần kéo dài việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu áp dụng đến hết năm 2023 như năm 2022” - ông Liên kiến nghị.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cũng đánh giá thời điểm ngày 1-4-2022, Nghị quyết 18 về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu chính thức có hiệu lực. Chính sách này góp phần giảm chi phí xăng dầu, giúp người dân và DN đỡ khó khăn hơn. Trong bối cảnh nguy cơ lạm phát tăng cao như hiện nay, việc kéo dài giảm thuế môi trường xăng dầu có thể kìm đà tăng của lạm phát.

Mặt hàng xăng dầu hiện có bốn loại thuế là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và thuế bảo vệ môi trường. Ngoài thuế bảo vệ môi trường, cả ba loại thuế nêu trên đều chưa thể điều chỉnh được, vì vậy việc giảm thuế bảo vệ môi trường là cách làm phù hợp nhất ở thời điểm này.

“Bộ Tài chính cần xem xét tính toán bài toán hài hòa lợi ích cho DN, người dân lẫn ngân sách để trình ngay đề xuất giảm các loại thuế trên. Xét tổng thể, hai loại thuế VAT và thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ góp phần giảm chỉ số giá tiêu dùng, kiềm chế lạm phát và hạn chế tác động tiêu cực đến người dân, DN và nền kinh tế” - ông Thịnh phân tích.•

Cần xem lại thủ tục thuế

Giảm thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, gia hạn tiền thuê đất… đều là những chính sách hỗ trợ thiết thực giúp DN lẫn người dân trong lúc khó khăn.

Tuy nhiên, nếu kéo dài các chính sách này đến năm 2023 hoặc có những chính sách mới thì các bộ, ngành cần có hướng dẫn rõ ràng, thuận tiện cho DN và người dân dễ thực hiện, tiếp cận. Vì thực tế chính sách hỗ trợ giảm thuế VAT trong năm 2022 vẫn khiến nhiều DN gặp rối rắm khi thực hiện.

Không chỉ vậy, thủ tục hoàn thuế VAT cho DN trong những năm qua vẫn chậm, nhiều điều kiện bất hợp lý ảnh hưởng đến dòng tiền của DN, dẫn đến nguy cơ thua lỗ. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành cần ngồi lại giải quyết dứt điểm khâu thủ tục hoàn thuế VAT cho DN.

Luật sư TRẦN XOA, chuyên gia thuế

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm