Cần xem lại tổng mức đầu tư cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

(PLO)- UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất tổng mức đầu tư cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc khoảng 17.200 tỉ đồng, với thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 22 năm sáu tháng. Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định liên ngành đề nghị xem xét lại tổng mức đầu tư dự án này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Chủ tịch Hội đồng thẩm định (HĐTĐ) liên ngành vừa gửi Thủ tướng kết quả thẩm định dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT. Trong đó, HĐTĐ đề nghị chính quyền tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn góp của Nhà nước trong dự án này một cách tiết kiệm, hiệu quả.

Sơ đồ dự kiến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài 66 km. Đồ họa: HỒ TRANG

Sơ đồ dự kiến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài 66 km. Đồ họa: HỒ TRANG

Nhà nước góp vốn 6.500 tỉ đồng

Theo tờ trình của tỉnh Lâm Đồng, cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài 66 km, điểm đầu trùng với điểm cuối dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, tại cầu vượt trực thông nút giao quốc lộ 20, địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, Đồng Nai. Điểm cuối nằm ở đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng. Trong đó, đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai khoảng 11 km; đi qua tỉnh Lâm Đồng khoảng 55 km.

Dự án được phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đầu dự án có hai làn ô tô và hai làn dừng khẩn cấp; giai đoạn hoàn chỉnh có bốn làn ô tô và hai làn dừng khẩn cấp. Dự kiến tổng diện tích sử dụng đất của dự án khoảng 455 ha, trong đó diện tích xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trên 186 ha, gồm 123,37 ha rừng tự nhiên và 69,85 ha rừng trồng.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án giai đoạn đầu là 17.200 tỉ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước tham gia là 6.500 tỉ đồng (gồm vốn 2.000 tỉ đồng ngân sách trung ương và 4.500 tỉ đồng ngân sách địa phương); vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khoảng 1.605 tỉ đồng và vốn huy động khác là 9.095 tỉ đồng.

Thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án khoảng 22 năm sáu tháng với mức phí khởi điểm là 2.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn. Dự án không áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm so với phương án tài chính. Phần doanh thu tăng sẽ được tính toán ở bước tiếp theo.

Nếu được thông qua, chính quyền tỉnh Lâm Đồng dự kiến chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022 đến 2025; giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư sau năm 2035.

Theo HĐTĐ liên ngành, kết quả lấy ý kiến của các thành viên cho thấy 12/13 thành viên hội đồng bỏ phiếu đồng ý, đạt 92,3%. Riêng Bộ Tài chính chưa có ý kiến.

Cần đa dạng hóa nguồn vốn huy động

Sau khi xem xét, HĐTĐ liên ngành thấy rằng cần xem xét lại tổng mức đầu tư dự án, bởi việc tham khảo suất đầu tư của dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong và Trung Lương - Mỹ Thuận là chưa phù hợp. Vì điều kiện địa hình, địa chất của hai dự án nói trên không có sự tương đồng với dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. Đồng thời, dự án đường cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong chưa hoàn thành công tác thi công xây dựng nên chưa đủ cơ sở thực tế để có thể tham khảo về suất đầu tư xây dựng.

Trên cơ sở đó, HĐTĐ liên ngành yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu giải trình, tính toán về sơ bộ tổng mức đầu tư dự án.

“Trong bước tiếp theo, đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng các điều kiện về địa hình, địa chất, giải pháp thiết kế các hạng mục công trình của dự án để có cơ sở tính toán khối lượng, xác định đơn giá, lập tổng mức đầu tư đảm bảo tính kinh tế - kỹ thuật và hiệu quả…” - HĐTĐ liên ngành yêu cầu.

Về nguồn vốn đầu tư, HĐTĐ liên ngành đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Đồng Nai bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn nhà nước tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, nguồn vốn huy động dự kiến của dự án là rất lớn và dài hạn. Theo ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nguồn vốn của các tổ chức tín dụng trong nước chủ yếu là ngắn hạn, do đó các tổ chức tín dụng khó cân đối nguồn vốn để cho vay với thời hạn dài.

Để đảm bảo đủ nguồn vốn thực hiện dự án, HĐTĐ liên ngành đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tính toán, đánh giá kỹ các phương án đầu tư, đa dạng hóa các nguồn vốn huy động, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một nguồn vốn cụ thể, đảm bảo tính khả thi của việc huy động vốn.

“Trong các bước tiếp theo, UBND tỉnh Lâm Đồng cần tổ chức khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, đấu thầu để lựa chọn được nhà đầu tư, đảm bảo việc lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật và có đủ năng lực để thực hiện dự án…” - HĐTĐ liên ngành đề nghị.•

Vì sao tổng mức đầu tư tăng từ 16.408 tỉ lên 17.200 tỉ đồng

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết sơ bộ tổng mức đầu tư ban đầu là khoảng 16.408 tỉ đồng nhưng sau đó tăng lên thành 17.200 tỉ đồng. Nguyên nhân tăng vốn là do cập nhật lại sau khi điều chỉnh quy mô nền đường từ 13,5 m thành 17 m và tham khảo suất đầu tư xây dựng của các dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm