Cảng cá lâu đời nhất Ninh Thuận xuống cấp trầm trọng

(PLO)- Hơn 1/4 thế kỷ hoạt động, cảng cá Đông Hải ở Ninh Thuận đã xuống cấp nghiêm trọng, luồng lạch bị bồi lấp, hệ thống thoát nước hư hỏng gây ô nhiễm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Cảng cá lớn nhất Ninh Thuận xuống cấp trầm trọng

Ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Ban Quản lý khai thác các cảng cá tỉnh Ninh Thuận, cho biết đã đề nghị cơ quan thẩm quyền bố trí kinh phí sửa chữa, khắc phục các công trình cảng cá trước mùa mưa bão năm 2022.

Buôn bán trong môi trường ô nhiễm

Theo ban Quản lý khai thác các cảng cá tỉnh Ninh Thuận, tỉnh này hiện có bốn cảng cá. Trong đó, cảng cá Đông Hải tại phường Đông Hải, TP Phan Rang – Tháp Chàm, được đầu tư, đưa vào sử dụng từ năm 1996 và được quy hoạch là cảng cá hạng II.

Cảng cá Đông Hải sau 26 năm hoạt động đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Cảng cá Đông Hải sau 26 năm hoạt động đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Cảng cá Đông Hải được xem là chợ đầu mối hải sản của tỉnh Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên nên tiểu thương và phương tiện mua bán rất đông. Tuy nhiên, cảng được đầu tư, xây dựng đã hơn 26 năm trước với công nghệ lạc hậu, diện tích mặt bằng hẹp không đủ tiêu chí cảng loại II.

Nơi đây cũng không đáp ứng đủ nhu cầu hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá và phương tiện vận chuyển hàng hóa qua cảng hiện nay, nên xảy ra tình trạng quá tải.

Theo ông Nguyễn Kim Long, cảng cá Đông Hải hiện đã xuống cấp phải chắp vá tạm thời. Mặt nền cảng lồi, lõm khó thoát nước mặt cùng với hệ thống cống tắc nghẽn gây ô nhiễm nghiêm trọng. Hệ thống xử lý nước thải đầu tư từ năm 2009 đã xuống cấp, quá tải.

Bên cạnh đó, hệ thống luồng lạch hơn 10 năm qua đã bị bồi lấp bởi ba cơn lũ lớn. Tuy nhiên, đơn vị không có kinh phí nạo vét nên các tàu có mớn nước cao dễ bị mắc cạn gây mất an toàn. Các đệm chống va tại cầu cảng đã bị hỏng, rơi mất rất nhiều gây nguy hiểm cho tàu khi cập cảng.

Chị Gái, tiểu thương hơn 15 năm buôn bán tại cảng cá Đông Hải cho biết các tiểu thương phải thường xuyên quét dọn để giữ vệ sinh mặt bằng buôn bán, tránh gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, hệ thống thoát nước của cảng đã tắt nghẽn nên nước bẩn vẫn ngập lênh láng khắp nơi. “Mỗi khi tàu giã vào nhiều mùi hôi kinh khủng. Chúng tôi mong muốn cảng được sửa chữa để buôn bán được sạch sẽ hơn”, tiểu thương này nói.

Nước bẩn ngập lênh láng khắp cảng gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Nước bẩn ngập lênh láng khắp cảng gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Các tiểu thương và ngư dân cũng cho biết cảng cá Đông Hải không có mái vòm nên hải sản bị nắng chiếu trực tiếp rất nhanh hư hỏng. Mái tôn khu vực nhà lồng của cảng cũng đã mục, trời mưa dột khắp nơi.

Vấn đề cảng cá Đông Hải xuống cấp nghiêm trọng đã được các đại biểu HĐND tỉnh Ninh Thuận đưa ra chất vấn tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XI vừa qua.

Tìm nguồn vốn nâng cấp cảng

Theo ông Nguyễn Kim Long, trước năm 2017, Ban quản lý khai thác các cảng cá được cấp một tỷ đồng/năm từ ngân sách để thực hiện duy tu, bão dưỡng hệ thống công trình cảng cá.

Từ năm 2018, đơn vị chuyển qua tự chủ tài chính đã không được cấp kinh phí. Trong khi đó, hệ thống công trình cảng cá Đông Hải ngày càng xuống cấp, hệ thống đường nội bộ, mương thu gom nước thải qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp trầm trọng gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh.

“Hai năm ảnh hưởng của dịch COVID-19 cùng với giá xăng dầu tăng cao khiến hoạt động đánh bắt hải sản không hiệu quả. Tàu cá thường xuyên nằm bờ. Vì vậy, nguồn thu của đơn vị không đủ chi hoạt động, chi cho hạ tầng càng không có”, ông Long cho hay.

Ban quản lý khai thác các cảng cá muốn sớm mở rộng cảng cá Đông Hải. Ảnh: HUỲNH HẢI

Ban quản lý khai thác các cảng cá muốn sớm mở rộng cảng cá Đông Hải. Ảnh: HUỲNH HẢI

Để giải quyết phần nào những tồn tại, Ban quản lý đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Cảng cá Đông Hải thường xuyên tổ chức xịt rửa cầu cảng, thu dọn rác thải, ra quân tổng vệ sinh môi trường.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, sở đã chỉ đạo Ban quản lý khai thác các cảng cá sớm hoàn chỉnh phương án thu gom, xử lý nước thải trình cấp thẩm quyền xem xét phê duyệt để có thêm kinh phí nạo vét mương, duy trì hoạt động nhà máy xử lý nước thải.

Trong thời gian tới, Sở sẽ tranh thủ nguồn vốn đầu tư của chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản để đầu tư nâng cấp mặt bằng cảng.

Ngoài ra, Sở phối hợp với Sở Xây dựng và các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh sử dụng một phần đất của dự án Phát triển hạ tầng khu phố Đông Hải để mở rộng cảng cá Đông Hải đủ tiêu chí cảng cá loại II, khắc phục tình trạng quá tải.

Đồng thời đầu tư hệ thống mái che tại khu vực cầu cảng của Cảng cá Đông Hải đảm bảo công tác bảo quản sản phẩm trong quá trình bốc dỡ và vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm của người dân sau khai thác.

Mái tôn khu nhà vòm đã mục, mưa dột khắp nơi. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Mái tôn khu nhà vòm đã mục, mưa dột khắp nơi. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Hệ thống chống va tại cầu cảng hư hỏng, rơi mất gây nguy hiểm khi tàu cập cảng bán hải sản. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Hệ thống chống va tại cầu cảng hư hỏng, rơi mất gây nguy hiểm khi tàu cập cảng bán hải sản. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Cảng cá Đông Hải không có mái che nên công tác bảo quản hải sản không đảm bảo. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Cảng cá Đông Hải không có mái che nên công tác bảo quản hải sản không đảm bảo. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Hệ thống thoát nước bị xuống cấp, tắc nghẽn gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Hệ thống thoát nước bị xuống cấp, tắc nghẽn gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Nhà máy xử lý nước thải đầu tư từ năm 2009 cũng đã xuống cấp. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Nhà máy xử lý nước thải đầu tư từ năm 2009 cũng đã xuống cấp. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm