Sau nhiều ngày báo động, khuya 9-5, Israel đã thực sự hứng tên lửa từ Iran. Khoảng 20 quả tên lửa mà Israel cho là của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Iran đã nã vào 10 vị trí quân sự của Israel ở cao nguyên Golan. Đây là lần đầu tiên Iran tấn công Israel từ Syria.
Không chịu để yên, Israel cho nã tên lửa sang Syria. Nguồn tin quân sự Syria cũng xác nhận tên lửa Israel đã bắn trúng một trạm radar, một số vị trí phòng không và một kho đạn của Syria, dù truyền thông nước này trước đó nói phòng không Syria đã bắn chặn một số lượng lớn tên lửa Israel.
Tên lửa Israel bay trên bầu trời thủ đô Damascus (Syria) sáng sớm 10-5. Ảnh: REUTERS
Theo tuyên bố của quân đội Israel sau đó, tên lửa Israel đã phá hủy năm đơn vị phòng không của Syria và đánh trúng hàng chục mục tiêu của Iran ở Syria. Theo người phát ngôn quân đội Israel Jonathan Cornricus, Syria và Iran đã bị thiệt hại nặng và sẽ cần thời gian đáng kể để khôi phục các hệ thống đã bị tấn công. Trong khi đó, không quả nào trong 20 quả tên lửa của Iran rơi xuống đất Israel. Vì ngoài bốn quả Israel đánh chặn được thì số còn lại rơi trong lãnh thổ Syria.
Tên lửa được cho là của Iran bắn sang cao nguyên Golan bị Israel đánh chặn khuya 9-5. Ảnh: AP
Israel trước giờ luôn tuyên bố sẽ không để yên cho Iran mở rộng ảnh hưởng ở Syria nhằm tiếp cận, bao vây mình. Thời gian qua Israel liên tục thực hiện các vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu Iran ở Syria nhưng Iran vẫn án binh. Tuy nhiên, với diễn biến mới nhất này, Iran phát động nã tên lửa Israel, nhiều nhà quan sát lo ngại nguy cơ hai bên có thể tiến đến xung đột lớn.
Những ngày này nhiều cái đầu nóng ở Israel đe dọa không ngần ngại dùng vũ lực với Iran và cả với chính phủ Syria nếu tiếp tục dung dưỡng Iran.
Xe tăng Israel được vận chuyển về biên giới với Syria ở cao nguyên Golan ngày 9-5. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó nhà nghiên cứu cấp cao Viện Nghiên cứu An ninh quốc gia Israel Sima Shine cho rằng sẽ “không có giải pháp quân sự nào” có thể giải quyết căng thẳng hai bên, Israel và Iran cần phải đi đến thỏa thuận ngăn chặn xung đột.
“Israel và Iran đang trên đường va vào nhau. Iran muốn ở lại Syria. Chúng ta đã xác định không cho phép điều này. Nếu cả hai bên cứ khăng khăng quan điểm thì sẽ có nhiều cuộc xung đột xảy đến. Và cuối cùng điều gì sẽ xảy ra?” - Jerusalem Post dẫn lời bà Shine, từng là phó tổng giám đốc Bộ Các vấn đề chiến lược Israel và là cựu quan chức Cơ quan tình báo Israel (Mossad).
“Với mọi cuộc chiến tranh và xung đột, giải pháp luôn là chính trị. Tôi chờ đợi xem điều gì sẽ đến sau chuyến thăm của thủ tướng đến Nga. Tôi hy vọng kết quả sẽ khác 6-7 chuyến thăm trước đã không đưa tới một giải pháp nào cho vấn đề này” - theo bà Shine.
Bà Sima Shine, cựu quan chức Cơ quan tình báo Israel (Mossad). Ảnh: INSS
“Mỹ không có mặt ở đây. Vì thế chúng ta không có giải pháp do Mỹ làm trung gian. Nhưng tôi hy vọng Nga sẽ là một phần của giải pháp” - bà Shine nói, tuy nhiên cũng cho biết có phần lo ngại giải pháp bao gồm Nga sẽ không hiệu quả vì quan hệ lệ thuộc lẫn nhau giữa Nga và Iran.
Theo bà Shine, một thỏa thuận gồm ba phần giữa Israel và Iran có thể làm dịu căng thẳng, chặn nguy cơ xung đột. Thứ nhất, thống nhất ranh giới lực lượng Iran được hiện diện ở Syria phải cách biên giới với Israel bao xa. Thứ hai, thống nhất Iran không được đưa tên lửa, máy bay không người lái hay bất kỳ vũ khí nào cùng hạng đến Syria hay để lại Syria. Thứ ba, thống nhất bao nhiêu binh sĩ Iran và lực lượng Iran hỗ trợ được ở lại lâu dài ở Syria - với xu hướng Iran sẽ dần cắt giảm bớt số lượng.
Quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8-5 được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hoan nghênh, tuy nhiên bà Shine lại cực kỳ lo ngại. Theo bà, diễn biến này sẽ làm phức tạp thêm tình hình khi Mỹ đã từ bỏ một công cụ có thể làm áp lực lên hành động của Iran ở Syria và cả chương trình tên lửa Iran.
“Khi thỏa thuận còn, Iran sẽ bị kiềm chế hơn. Thời gian qua đi, các lệnh trừng phạt thứ phát sẽ khiến Iran dần nhận ra mình không còn thu lợi gì từ thỏa thuận nữa và họ sẽ quay trở lại với dự án hạt nhân” - theo bà Shine.