Việc chính phủ Anh ngày 17-4 quyết định điều 800 binh sĩ tới Estonia mà Nga cho là sự kiện “làm gia tăng căng thẳng ở châu Âu” đã khiến ông Yakovenko đưa ra bình luận trên.
Quan hệ giữa London và Moscow tiếp tục sụt giảm nghiêm trọng sau vụ Mỹ nã 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat của Syria hôm 7-4. Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã hủy chuyến công du Nga, đồng thời lên án sự ủng hộ của Tổng thống Nga Vladimir Putin dành cho người đồng cấp Syria Bashar al-Assad. Thủ tướng Anh Theresa May cũng chỉ trích điện Kremlin “mắc sai lầm nghiêm trọng”, còn Bộ trưởng Quốc phòng Michael Fallon cũng đổ lỗi cho Nga về cái chết của người dân Syria.
Quân đội Anh bắt đầu tăng cường xuất hiện ở vùng biển Đen, được xem là sân sau của Nga. Tàu đổ bộ HMS Daring của hải quân hoàng gia Anh được nhìn thấy ở TP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) sau khi đi qua eo biển Bosphorus. Bốn phi công lái máy bay chiến đấu Typhoon của Anh cũng được gửi tới Đông Âu để tuần tra biển Đen cùng NATO.
Tàu chiến Nga cũng tăng mật độ đi ngang qua eo biển Manche, giữa Anh và “lục địa già” châu Âu khiến hải quân Anh nhiều lần phải điều tàu “hộ tống”. Mới đây, nghị sĩ Nga Frants Klintsevich cứng rắn cảnh báo nếu Anh dám sử dụng tàu ngầm hạt nhân Trident tấn công phủ đầu một quốc gia phi hạt nhân thì London sẽ bị xóa sổ khỏi bề mặt Trái đất. Lời cảnh báo được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Michael Fallon tuyên bố Thủ tướng May sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân khi cần.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đánh giá tình hình hiện tại trong quan hệ quốc tế khó khăn hơn cả giai đoạn đỉnh cao của Chiến tranh lạnh. “Rõ ràng hiện nay khó khăn hơn. Ngày trước chỉ có phương Tây và Liên Xô. Mỗi bên thúc đẩy xung đột với đối thủ trên lãnh thổ các nước thứ ba nhưng không bao giờ trên biên giới của mình và không bao giờ xung đột trực tiếp. Thậm chí các phát ngôn cũng nhẹ nhàng hơn. Khi ấy, cả hai bên không ai vượt quá những ranh giới cho phép. Ngày nay không còn có quy tắc nào cả”.