Cảnh báo 'cò' tuyển lao động sang Hàn Quốc làm nhà hàng

(PLO)- Cảnh báo một số công ty môi giới mời chào doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam ký kết hợp đồng, tuyển lao động sang Hàn Quốc làm nhà hàng. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cục Quản lý lao động ngoài nước cảnh báo nơi này đã nhận được phản ảnh một số công ty môi giới Hàn Quốc mời chào doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam ký kết hợp đồng, tuyển lao động để đưa đi làm việc trong các ngành, nghề dịch vụ tại Hàn Quốc theo thị thực E-9-5 không đúng quy định.

Cụ thể, theo Cục quản lý lao động ngoài nước, phía Hàn Quốc thông báo việc tuyển dụng và tiếp nhận lao động nước ngoài vào làm việc trong một số ngành, nghề dịch vụ theo thị thực E-9-5 (gồm các nghề dọn dẹp vệ sinh trong khách sạn, căn hộ cho thuê, phụ bếp trong nhà hàng) sẽ được thực hiện theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (chương trình EPS).

canh-bao-co-tuyen-lao-dong-sang-han-quoc-lam-nha-hang-1.jpg
Trước đó, đã có cảnh báo các cá nhân, tổ chức thu tiền tuyển lao động sang Hàn Quốc làm việc thời vụ. Ảnh: A.TUYẾT

Theo đó, chương trình tiếp nhận lao động thị thực E-9-5, dự kiến được triển khai từ tháng 4-2024, sẽ được thí điểm thực hiện tại một số địa phương gồm: Seoul, Busan, Kangwon và Jeju.

Cơ quan này lưu ý, tại Việt Nam, Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab) thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là đơn vị duy nhất được giao đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS.

Trước đó, Cục cũng cảnh báo một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức này để quảng cáo, ký hợp đồng, thu tiền không đúng quy định, hứa hẹn đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc (thị thực E-8).

Đại diện Cục, khẳng định đây là chương trình hợp tác phi lợi nhuận giữa địa phương của Việt Nam và Hàn Quốc do cơ quan chức năng của địa phương tổ chức triển khai thực hiện, không có sự tham gia của bất kỳ doanh nghiệp nào.

Để tham gia và tìm hiểu về chương trình, người lao động chỉ liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi cư trú và không đăng ký tham gia với bất kỳ tổ chức cá nhân môi giới.

Hiện có 12 địa phương gồm: Đà Nẵng, Đồng Tháp, Thái Bình, Hà Nam, Hà Tĩnh, TT Huế, Cà Mau, Quảng Bình, Hậu Giang, Hà Giang, Lai Châu và Tuyên Quang đã ký thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc để đưa lao động đi làm việc thời vụ.

Theo ghi nhận của PV, lao động thời vụ ở một số địa phương đã chấp hành tốt các quy định nước sở tại, làm việc chăm chỉ, có thu nhập tốt. Tuy nhiên, lao động ở một số địa phương khi sang Hàn Quốc đã vi phạm hợp đồng, bỏ ra ngoài làm việc bất hợp pháp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm