Hiện nay toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội của vùng Đồng Tháp Mười (Long An) đều phụ thuộc vào trục giao thông Quốc lộ (QL) 62. Tuyến đường này không chỉ có vai trò kết nối liên tỉnh mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối hành lang đông tây giữa các khu kinh tế (KKT) với cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp.
Tuy nhiên, QL62 nối với QL1 đi đến cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp dài khoảng 76 km nhỏ hẹp, mặt đường xuống cấp làm ảnh hưởng lớn đến việc thu hút doanh nghiệp về đầu tư vào KKT cửa khẩu và các khu đô thị trung tâm thị xã Kiến Tường nói riêng và các huyện khu vực biên giới nói chung.
Kinh tế cửa khẩu khó phát triển
Long An xác định KKT cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp là khu trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, động lực phát triển của tiểu khu Đồng Tháp Mười. Đây cũng là đầu mối giao thương kết nối với các tiểu vùng sông Mekong của Campuchia với TP.HCM và khu vực ĐBSCL qua cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp. Tuy nhiên, nhiều năm qua hoạt động kinh tế - xã hội tại đây vẫn chưa thể bứt phá như mong đợi.
QL62 là tuyến giao thông đặc biệt quan trọng của tỉnh Long An và khu vực, là tuyến kết nối nhiều tuyến giao thông quan trọng như QL1, tuyến N2, N1, cao tốc Hồ Chí Minh - Trung Lương, ĐT829, ĐT831, ĐT837... Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian đi lại của các tỉnh vùng Đồng Tháp Mười như Long An, Đồng Tháp, An Giang với TP.HCM. Đồng thời giúp tăng cường giao lưu, thông thương hàng hóa với Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp.
Tại KKT cửa khẩu Bình Hiệp có khu công nghiệp diện tích 168,36 ha, sau 13 năm đi vào hoạt động, đến nay chỉ mới có hai doanh nghiệp hoạt động với hơn 2.300 người lao động. Dù được các doanh nghiệp đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng sau khi đến tìm hiểu thì hầu hết đều rời đi.
Theo ông Nguyễn Minh Tùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Bình Hiệp, trung bình có 24 doanh nghiệp thường xuyên đến làm thủ tục hải quan xuất nhập khẩu hàng hóa. Số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu chưa nhiều là do “nút thắt” về giao thông. QL62 nhỏ hẹp, tài xế xe container sợ tai nạn; hạ tầng tại KKT chưa đáp ứng được lưu lượng xe container đỗ chờ để làm thủ tục hải quan và chưa có bến bãi đậu chờ trung chuyển hàng hóa.
“Trước tiên, tuyến QL62 cần phải được cải thiện cho thông thoáng để hàng hóa từ cảng Cát Lái (TP.HCM) và xe Nam - Bắc có thể về cửa khẩu. Bên cạnh đó, bãi chờ của cửa khẩu trên QL62 cũng cần được đầu tư vì xe về cửa khẩu không có chỗ đậu. Xe nằm dọc đường vào thì bị phạt liên tục khiến doanh nghiệp rất ngại về đây” - ông Tùng nói.
Ông Nguyễn Văn Vũ, Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường, cũng cho rằng KKT cửa khẩu Long An chưa phát triển mạnh nguyên nhân phần lớn nằm ở QL62. “Giải pháp khắc phục điểm nghẽn giao thông này là cần sớm nâng cấp, mở rộng QL62. Tuy nhiên, vấn đề này thuộc thẩm quyền của trung ương” - ông Vũ nói.
Lưu lượng xe trên Quốc lộ 62 rất nhiều nhưng tuyến đường lại rất nhỏ hẹp. Ảnh: HUỲNH DU |
Cần sớm nâng cấp QL62
Liên quan đến việc cải tạo, nâng cấp QL62, trước đó ngày 20-3, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út đã ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ. Trong văn bản nêu rõ tuyến đường được xây dựng từ trước năm 1975, được sửa chữa, nâng cấp và đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 1999 với tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng, nền đường rộng 9 m và mặt đường thảm nhựa
6 m đến nay đã xuống cấp trầm trọng. Năng lực thông hành nhiều đoạn tuyến trên QL62 quá tải, ùn tắc và tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra. Vì vậy, tỉnh Long An đề nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn để sớm triển khai thi công dự án trong năm 2023.
Ngày 31-3, Bộ GTVT cũng đã có văn bản phản hồi UBND tỉnh Long An về vấn đề này. Theo Bộ GTVT, trên cơ sở ý kiến tham gia đối với đề xuất dự án nâng cấp, cải tạo ba tuyến QL53, 62 và 91B tại ĐBSCL của Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT đã tiếp thu hoàn chỉnh nội dung đề xuất và có Văn bản số 12549/2022 gửi hai bộ này làm rõ một số nội dung liên quan đến đề xuất dự án; đồng thời kiến nghị hai bộ tiếp tục ủng hộ, sớm xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định để có thể triển khai các bước tiếp theo.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Long An, các bộ, ngành liên quan và nhà tài trợ để khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư nhằm sớm triển khai đầu tư dự án.
Trao đổi với PV, Phó Giám đốc Sở GTVT Long An Nguyễn Hoài Trung cho biết những năm trở lại đây nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An tăng cao, nhất là trong các dịp lễ, tết, tại tuyến QL62, tình trạng kẹt xe vẫn thường xảy ra. Có năm, kẹt xe xảy ra nghiêm trọng, các xe xếp hàng dài nối đuôi nhau, di chuyển gặp nhiều khó khăn.
Sau thời gian dài kiến nghị, hiện dự án nâng cấp, mở rộng QL62 cũng được Bộ GTVT tham vấn các bộ, ngành liên quan đề xuất báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định. Dự kiến công trình nâng cấp, mở rộng QL62 sẽ được triển khai, thực hiện sớm trong năm 2024.
“Chúng tôi rất kỳ vọng với sự đầu tư thời gian tới, QL62 sẽ thực sự đồng bộ, hiện đại và hoàn chỉnh, tạo sức bật, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư cũng như góp phần giảm ùn tắc giao thông trong các đợt cao điểm lễ, tết hằng năm” - ông Trung nói.•
Đại biểu Quốc hội nhiều lần kiến nghị sớm nâng cấp, mở rộng QL62
Đề nghị Chính phủ kịp thời bố trí nguồn vốn để đầu tư nâng cấp, mở rộng QL62. Tuyến đường này đã xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường hư hỏng, nhỏ hẹp, tiềm ẩn các yếu tố mất an toàn, không đủ đáp ứng nhu cầu giao thông, tạo áp lực rất lớn, nhất là vào các dịp lễ, tết, người dân về các tỉnh miền Tây qua tuyến đường này.
Đây cũng là mong mỏi của cử tri các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh và cũng được các đại biểu Quốc hội các khóa trước kiến nghị nhiều lần. Bên cạnh đó, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, nâng cấp, mở rộng QLN2 đoạn Đức Hòa - Mỹ An để tuyến đường này vừa góp phần giảm lưu lượng xe cho QL1 và cao tốc TP.HCM - Trung Lương, tăng cường liên kết vùng các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ.
Ông TRẦN QUỐC QUÂN, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Long An.