Cách đây chưa lâu, hai tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã thông xe trong niềm hân hoan của rất nhiều người dân. Tuy nhiên, sau gần hai tháng đi vào khai thác, rất nhiều tài xế và hành khách phàn nàn về tình trạng thiếu trạm dừng chân trên các tuyến cao tốc này. Không riêng gì các tuyến này mà đường cao tốc về miền Tây gồm TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận cũng có tình cảnh tương tự.
Xếp hàng rồng rắn chờ “giải quyết nỗi buồn”
Tuần rồi, anh Nguyễn Quốc Anh đi từ TP.HCM ra Phan Thiết đến đoạn làn khẩn cấp thì chứng kiến nhiều ô tô cá nhân phải tấp vội vào làn này. “Nhiều phụ nữ phải thay nhau che mền để “giải quyết nỗi buồn” ngay trên làn khẩn cấp vì không có trạm dừng chân” - anh Quốc Anh kể.
Hiện nay suốt các đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và Dầu Giây - Long Thành - TP.HCM chỉ có duy nhất một trạm dừng chân. Vì vậy, nơi đây thường xuyên diễn ra cảnh người dân rồng rắn xếp hàng chờ được đi vệ sinh. Kể cả lúc không phải cao điểm, người dân phải chờ tới 30 phút mới đến lượt đi vệ sinh.
Người dân phải rồng rắn xếp hàng để đi vệ sinh tại trạm dừng chân trên cao tốc TP.HCM - Long Thành. Ảnh: MXH |
Anh Phương Nam (Phan Thiết) cho biết không riêng gì thứ Bảy, Chủ nhật mà ngày thường cũng vậy. Có hôm lượng khách xuống trạm dừng chân đông, nhà vệ sinh bị quá tải, nhiều người phải chờ đợi rất lâu mới đến lượt. “Đàn ông còn đỡ, chỉ thương chị em phụ nữ, có hôm phải “tấn công” ào ạt qua nhà vệ sinh nam vì bên nữ kẹt cứng” - anh Nam cho biết.
Tài xế Nguyễn Văn Hùng thường chở khách từ TP.HCM đi Phan Thiết cho biết trước đây chỉ đi Vũng Tàu hoặc Bình Thuận thì trạm dừng nghỉ trên cao tốc TP.HCM - Long Thành trước khi đi vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khá thoải mái. Tuy nhiên, kể từ ngày thông xe hai tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Vĩnh Hảo - Phan Thiết, lượng khách qua trạm dừng nghỉ trên cao tốc TP.HCM - Long Thành bị quá tải nên đã xảy ra ùn ứ.
“Hành khách phàn nàn yêu cầu tìm trạm dừng chân khác, song cả tuyến đường dài gần 300 km cũng không có trạm nào cho đúng nghĩa trạm dừng chân. Một số trạm dừng cũng chỉ đúng nghĩa là đi vệ sinh chứ thực sự chưa có nơi nghỉ ngơi, mua sắm, giải trí cho hành khách” - ông Hùng nói.
Tương tự, từ TP.HCM về miền Tây qua hai tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận cũng thiếu trạm dừng chân nên các tài xế buộc phải rẽ xuống Quốc lộ 1 để cho đoàn dừng chân, ăn cơm và nghỉ ngơi.
Gia đình anh Nguyễn Văn Thành đi từ TP.HCM về Cà Mau cho biết ngay từ khi lên xe tài xế đã cảnh báo hành khách tranh thủ đi vệ sinh trước, vì phải hơn 100 km nữa mới có trạm dừng chân. Trạm đầu tiên là Long Thành (cách TP.HCM khoảng 20 km), nhỏ, không sạch sẽ lại ùn ứ nên xe không dừng lại. “Chúng tôi phải di chuyển trên cao tốc, băng thêm hơn 100 km nữa mới tới được trạm dừng chân Phúc Lộc mới được nghỉ để đi vệ sinh” - anh Thành nói.
Anh Thành cho biết suốt tuyến chỉ có vài nơi cho đi vệ sinh, đồ ăn sơ sài, lại thiếu bãi đậu xe... nên rất khó nghỉ chân. Tuy nhiên, nhiều hành khách bí quá cũng đành ngậm ngùi “giải quyết”.
“Tuyến đường từ TP.HCM đi Phan Thiết dài gần 300 km, qua các đoạn cao tốc hiện đại nhưng không có trạm nào cho đúng nghĩa trạm dừng chân.”
Đang tìm nhà đầu tư làm trạm dừng
Theo Ban quản lý dự án 7 (chủ đầu tư tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết), nhu cầu trạm dừng chân trên cao tốc là cấp thiết, cần sớm triển khai để phục vụ người dân. Đối với tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang được chủ đầu tư tích cực hoàn thiện, theo quy hoạch sẽ có hai trạm dừng chân trong giai đoạn 1.
“Bộ GTVT đang quyết liệt đầu tư ngay trong năm nay. Hiện đang lựa chọn tư vấn thiết kế và lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức xã hội hóa và nỗ lực khởi công trong tháng 10 này” - Ban quản lý dự án 7 thông tin.
Liên quan đến trạm dừng chân trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Ban quản lý dự án Thăng Long cho biết hiện Bộ GTVT đang thiết kế, lập hồ sơ mời thầu và tuyển chọn nhà đầu tư.
Về trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho biết trong giai đoạn 1 của dự án cao tốc không có trạm dừng nghỉ. Theo đó, trạm dừng sẽ tách riêng thành một dự án khác do UBND tỉnh Tiền Giang triển khai. “Tuy nhiên, đến nay trạm dừng chân này chưa được tiến hành thực hiện, Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị tỉnh Tiền Giang sớm đầu tư để phục vụ hành khách vì đây là nhu cầu rất cấp thiết” - đại diện Công ty Tập đoàn Đèo Cả nói.
Về phía Tiền Giang, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh, cho biết hiện nay đã tìm được nhà đầu tư thực hiện trạm dừng chân trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. “Dự kiến Tiền Giang sẽ đầu tư công trình này theo hình thức BOT. Tỉnh đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và đã giao Sở GTVT và các sở, ngành sẽ triển khai sớm nếu các thủ tục để làm đường kết nối vào trạm dừng chân” - ông Bon nói.
Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cho hay hiện tỉnh Tiền Giang có trạm dừng chân Phúc Lộc tại xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè rất sạch đẹp, khang trang kết nối với Quốc lộ 1, được hành khách rất yêu thích. Tuy nhiên, trạm dừng này lại nằm trên Quốc lộ 1 và tỉnh cũng cần có những trạm dừng chân tiêu chuẩn như vậy.
Ghi nhận của PV, trạm dừng chân Phúc Lộc có tổng diện tích lên tới 10.000 m2, phục vụ các tuyến từ ĐBSCL lên cao tốc Trung Lương - TP.HCM và từ Trung Lương tới các tỉnh miền Tây. Trạm có thể đón 18.000-25.000 hành khách, cao điểm lên đến 35.000-45.000 hành khách. Trạm dừng này có đầy đủ nhà vệ sinh sạch sẽ, quầy thuốc, siêu thị, phục vụ ăn uống cho hành khách và tài xế…•
Theo Bộ GTVT, trong quá trình xây dựng cao tốc đã xác định có những trạm dừng chân và có vị trí cụ thể. Theo đó, các trạm dừng chân sẽ được triển khai xã hội hóa, vị trí trạm dừng chân phù hợp với mạng lưới cao tốc.
Bộ GTVT cũng cho rằng các quy định của pháp luật giai đoạn trước chưa đầy đủ, rõ ràng nên việc triển khai xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn, chưa đồng bộ với việc xây dựng đường cao tốc.
Mới đây, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 01 hướng dẫn về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án, phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
“Hiện nay các bước được bộ triển khai rất quyết liệt để triển khai, lựa chọn nhà đầu tư trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ cập nhật các thông tin về quy chuẩn trạm dừng sớm nhất” - đại diện Bộ GTVT nói.